Multimedia Đọc Báo in

Biểu trưng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Biểu tượng của bản sắc văn hóa Tây Nguyên

08:15, 02/12/2018

Trong số 6 tác phẩm xuất sắc đoạt giải vượt qua 161 tác phẩm của 104 tác giả đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự Cuộc thi thiết kế “Biểu trưng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột” do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vừa qua, tác phẩm của tác giả Lê Trung Hoa (TP. Hồ Chí Minh) đã giành giải cao nhất.

Theo đánh giá của Ban giám khảo (gồm các họa sĩ, nhà chuyên môn có uy tín trong lĩnh vực Mỹ thuật nước nhà, do Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam làm Trưởng Ban), các tác phẩm dự thi nhiều mẫu thiết kế đẹp, chuyên nghiệp, có tính khái quát cao. Nhiều mẫu được tác giả vẽ trực tiếp bằng tay, thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo và tình cảm của tác giả đối với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Trong đó, nổi trội là biểu trưng của anh Hoa đã thể hiện được tính lễ hội, bố cục hài hòa, màu sắc rực rỡ, hình và chữ rõ ràng, tinh tế; có tính đặc thù về cà phê; có biểu tượng bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Biểu trưng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Biểu trưng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Biểu trưng đoạt giải Nhất chính thức thuộc bản quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, sẽ có mặt chính thức trong bộ nhận diện thương hiệu của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 và những lần tổ chức lễ hội tiếp theo.

Theo anh Lê Trung Hoa, biểu trưng được thiết kế dựa trên ý tưởng sự lan tỏa của hoa bồ công anh trong gió, hoa được kết nối từ những hạt cà phê (thể hiện sự đoàn kết, kết nối của Tây Nguyên, khu vực và thế giới). Điểm nhấn của biểu trưng là chữ “Coffee” mà trọng tâm là chữ “C” tạo hình hoa và đồng thời cũng tạo hình chiêng, mang thông điệp bản sắc, tinh hoa của các dân tộc Tây Nguyên qua Lễ hội (Festival) sẽ lan tỏa khắp thế giới. Biểu trưng sử dụng tiếng Anh làm chủ đạo, thể hiện tính kết nối mạnh mẽ và phù hợp trong xu thế mở hiện tại; những hạt cà phê đang bay tượng trưng cho sức lan tỏa mạnh mẽ; được phối nhiều màu, thể hiện sự đa dạng, vui tươi và sắc màu của lễ hội. Nhưng chủ đạo vẫn là màu cà phê và màu đất đỏ bazan (chữ Buôn Ma Thuột và hoa văn cồng chiêng).

Tác giả Lê Trung Hoa trong một lần tác nghiệp lấy ý tưởng thiết kế tại TP. Buôn Ma Thuột.
Tác giả Lê Trung Hoa trong một lần tác nghiệp lấy ý tưởng thiết kế tại TP. Buôn Ma Thuột.

Tác giả Lê Trung Hoa đã theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Sau khi tốt nghiệp đại học, hơn 10 năm qua anh luôn say mê với nghề, đã tham gia trên 100 cuộc thi thiết kế logo, tranh cổ động, nhiều nhất vẫn là biểu trưng trên khắp cả nước. Qua đó đã đoạt 5 giải Nhất và hơn 20 giải thưởng khác. Trước khi đoạt giải Nhất về thiết kế biểu trưng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, anh Hoa cũng đã giành giải Nhất cuộc thi thiết kế biểu trưng Đại học Xây dựng miền Tây.

Tác giả Lê Trung Hoa (đứng giữa hàng trước) nhận giải thưởng tại Lễ công bố và trao giải Cuộc thi thiết kế biểu trưng  Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Tác giả Lê Trung Hoa (đứng giữa hàng trước) nhận giải thưởng tại Lễ công bố và trao giải Cuộc thi thiết kế biểu trưng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Anh Lê Trung Hoa chia sẻ: “Tôi đã đến với Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột một vài lần; khi thăm các buôn làng, cộng với thông tin được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông đã cho tôi những ý tưởng cũng như cảm nhận sâu sắc về vùng đất này. Để có tác phẩm dự thi, tôi đã vẽ hàng trăm bản thảo về nhà dài, voi, núi, đồi, cồng chiêng… Nhưng nghĩ đến tầm cỡ của lễ hội, nó không chỉ nằm trong một tỉnh mà còn ở tầm khu vực, thế giới nên tôi đã sáng tác biểu trưng hội tụ những yếu tố có sức lan tỏa như hoa bồ công anh. Tác phẩm của tôi ban đầu cũng chưa thật sự hoàn chỉnh về nhiều khía cạnh, nhưng được sự góp ý của Ban tổ chức, tôi đã hoàn thiện hơn. Đặc biệt, biểu trưng được sử dụng chính thức cho một chương trình lớn, đó chính là điều ý nghĩa mà tôi nhận được từ cuộc thi”.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.