Multimedia Đọc Báo in

Nghề mót khoai...

10:36, 25/04/2019

Lúc chủ ruộng thu dọn máy móc, vận chuyển khoai lên xe cũng là lúc những người mót khoai bắt đầu công việc của mình.

Thời điểm từ cuối tháng 3 (vụ đông xuân) và tháng 8 (vụ hè thu) hằng năm, khi đi qua những cánh đồng trồng khoai tại các huyện như Krông Ana, Krông Bông, Lắk... dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm người lom khom  đào bới nhặt những củ khoai sót lại sau mùa thu hoạch của chủ ruộng. Đó là mùa làm ăn của những người mót khoai.

Giưa trưa nắng vào một ngày cuối tháng 3 – thời gian cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, trên cánh đồng xã Đắk Nuê (huyện Lắk) nhiều người mót khoai vẫn đang cần mẫn đào, bới, nhặt nhạnh số củ khoai còn sót lại trong những vạt đất. Chị Đỗ Thị Mười (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) vừa làm vừa trò chuyện: 6 năm gần đây khi các hộ dân khu vực huyện Krông Bông và Lắk trồng khoai nhiều, chị bắt tay vào nghề buôn khoai. Song do đồng vốn ít ỏi, không cạnh tranh được với các thương lái lớn nên chị chuyển sang mót khoai, lấy công làm lãi.

Chị H'Vui (bìa phải) sau một ngày rong ruổi khắp các cánh đồng  đi mót khoai.
Chị H'Vui (bìa phải) sau một ngày rong ruổi khắp các cánh đồng đi mót khoai.

Để tranh thủ được nhiều thời gian cho việc mót khoai, mỗi ngày chị dậy từ 5 giờ sáng lo cơm nước cho gia đình và phần cơm trưa cho mình, 6 giờ chạy xe máy từ Krông Bông sang địa bàn huyện Lắk để “săn” những ruộng khoai vừa thu hoạch xong. Bất kể giờ giấc, thời tiết, cứ biết khu vực nào có chủ ruộng đào khoai, chị và nhiều người dân khác đều tìm đến mót.

Thông thường khoai mót cũng được bán cho thương lái hoặc người dân địa phương mua để ăn nên người mót cũng phải lựa khoai ngon để riêng, khoai bị hà đưa về dùng cho chăn nuôi ở nhà. Giá khoai mót thường thấp hơn khoai chủ ruộng bán ra do củ nhỏ, xốp.

Chị H’Vui Bdap (buôn Bàng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) bộc bạch, nhà chỉ có 1 sào đất làm lúa nước, thời gian nhàn rỗi nhiều nên ngoài việc làm công thuê theo mùa vụ, hằng năm cứ đến mùa thu hoạch khoai chị lại tranh thủ đi mót để kiếm thêm tiền nuôi con nhỏ. Những năm khoai được mùa, được giá, đi mót gặp những ruộng sót nhiều, có hôm thu nhập cũng đủ chi tiêu hằng ngày và dành dụm một ít để phòng lúc ốm đau. Còn như mùa khoai năm nay, giá xuống thấp, thu nhập của người đi mót khoai cũng giảm rất nhiều, có khi mỗi ngày chỉ kiếm được 100 nghìn đồng, bởi giá khoai mót chỉ bằng một nửa so với khoai của chủ ruộng, do củ nhỏ và không đều.

Tương tự, ông Y Nở Ksrăng (xã Bông Krang, huyện Lắk) cho hay, khi khoai lang vào mùa thu hoạch, vợ chồng ông lại di chuyển đến các cánh đồng xã Đắk Nuê, Buôn Tría, Buôn Triết để mót khoai. 5 năm qua, nhờ làm nghề này mà vợ chồng ông có thêm nguồn thu kha khá để trang trải cuộc sống những lúc nông nhàn. Mỗi ngày vợ chồng ông mót được từ 50 đến 100 kg khoai, năm nào khoai được giá thì tiền bán khoai cũng được 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, còn như năm nay giá khoai rẻ nên mỗi tạ chỉ bán được 300 ngàn đồng, giảm hơn 1/3 so với giá bán khoai năm ngoái.

Nghề mót khoai chỉ cần chịu khó, chăm chỉ thì có hôm thu nhập gấp hai lần so với đi làm công thuê theo ngày. Tuy nhiên, với những ruộng khoai gần đường đi lại thì người mót khoai còn đỡ khổ, chứ ruộng ở xa đường phải oằn lưng cõng 40 - 50 kg giữa trời trưa nắng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Chẳng hạn như trường hợp chị H’Vui, vì khoai nặng quá mà sức lại yếu, cộng với trời nắng nóng nên có lần đi mót khoai chị đã bị xỉu ngay giữa ruộng, may mắn có nhiều người đi cùng nên sơ cứu kịp thời cho chị. Do đó, những người làm nghề này thường đi với nhau theo từng nhóm chứ hiếm khi đi riêng lẻ một mình để đề phòng những rủi ro, nhất là đối với chị em phụ nữ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc