Multimedia Đọc Báo in

Chuyện trong khu cách ly phòng chống dịch Covid-19

08:37, 05/03/2020

Để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch Covid-19, từ ngày 24-2 đến nay, gần 700 công dân Việt Nam (trong đó có 8 du học sinh là người Đắk Lắk) trở về từ các vùng có dịch của Hàn Quốc đều được kiểm tra sức khỏe, phân loại, rồi chuyển đến khu vực cách ly theo quy định tại Đà Nẵng.

Nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa của việc cách ly phòng dịch và đã sẵn sàng tâm thế từ trước nên với nhiều người, 14 ngày “ăn cơm bộ đội, ngủ giường tầng” trong khu cách ly thực sự là trải nghiệm khó quên.

Mỗi lần mở điện thoại lướt Facebook, chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (trú huyện Ea Kar), du học sinh Trường Đại học Deagu (Hàn Quốc) lại tủm tỉm trước những dòng nhật ký lạc quan của cô bạn “cùng nhập ngũ” vào cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên TP. Đà Nẵng ngày 24-2 vừa qua. Huyền hào hứng: “Anh xem bạn ấy viết này, hay lắm, cộng đồng mạng chia sẻ rần rần luôn. Mới mấy ngày mà hơn 50 nghìn lượt thích rồi. Chính bạn ấy đã tiếp thêm tinh thần, động lực cho mọi người ở đây”.

Quả thật, đọc những dòng nhật ký của cô du học sinh ấy ai cũng cảm thấy lạc quan, được quan tâm trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp: “Cánh cửa máy bay được mở ra, luồng gió mát từ ngoài ùa vào vỡ òa trong cảm xúc. Bước xuống cầu thang, các chú bộ đội ân cần tiếp đón và đưa chúng tôi lên xe về khu vực cách ly. Nghĩ lại buồn cười… mình cũng được ở trong quân ngũ này. Ở bên kia, giờ chắc vẫn chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để chống dịch, thì ở đây chúng tôi được chăm sóc như những người thân. Đúng là không đâu bằng nhà. Sau khi phổ biến các quy định, chúng tôi được dẫn vào một căn phòng tập thể. Cứ một người một giường, miễn phí toàn bộ nhé. Thân nhiệt được kiểm tra ngày 2 lần. Khu nam riêng - nữ riêng. Bữa cơm trưa không có sơn hào hải vị nhưng tôi cảm thấy thật sự tuyệt vời. Người yêu gọi, tôi chỉ trả lời ngắn gọn “em nay nhập ngũ rồi anh ạ”. Các bạn ơi, nếu có về Việt Nam, xin đừng lo lắng nhé. Có Tổ quốc đây rồi”.

Bộ đội chuẩn bị các suất ăn cho những người trong khu cách ly.
Bộ đội chuẩn bị các suất ăn cho những người trong khu cách ly.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (du học sinh, trú huyện Ea Kar) cho biết thêm: “Lúc ở Hàn Quốc, hằng ngày các du học sinh thường xuyên phải sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm để đi lại nên tiếp xúc với rất nhiều người, nguy cơ lây nhiễm bệnh khá lớn. Để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, trên các diễn đàn, hội nhóm của du học sịnh Việt Nam, chúng tôi đã họp bàn và thống nhất khi về Việt Nam sẽ chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng xin được cách ly. Thế nên khi vừa xuống sân bay, biết tin Chính phủ yêu cầu toàn bộ công dân từ Hàn Quốc trở về đều phải đi cách ly, chúng tôi mừng lắm. Thấy các anh bộ đội phải ở nhà bạt, ngày ngày thức khuya dậy sớm lo cơm nước, thăm khám sức khỏe cho mọi người, chúng tôi xúc động lắm. Mọi người bảo nhau chú ý giữ gìn vệ sinh nhà cửa, bỏ rác đúng nơi quy định để các anh đỡ vất vả”.

Ở cùng phòng với Ngọc Linh, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (22 tuổi, trú huyện Krông Năng) góp chuyện: “Ở trong này phần đông là du học sinh; còn lại là người Việt Nam sang Hàn Quốc du lịch, lao động, sinh sống trở về, cùng cảnh ngộ nên mọi người thương yêu, quý mến nhau lắm. Chăn màn, chiếu gối, kem đánh răng, dầu gội đầu, xà phòng tắm, bàn chải, dép xốp… được các anh bộ đội để sẵn trên từng giường ngủ, các chế độ tiêu chuẩn trong thời gian cách ly cũng được niêm yết công khai. Phòng nào cũng được trang bị ti vi, sách báo để mọi người thư giãn. Mỗi ngày đều đặn hai lần phun thuốc khử trùng, thăm khám, đo nhiệt độ… Vào đây mới thấy bộ đội không chỉ giỏi bắn súng, ném lựu đạn, hát hay mà ai cũng nấu ăn ngon và rất gần gũi, thân thiện, nhiệt tình, trách nhiệm. Hết 2 tuần “quân ngũ”, chắc tôi sẽ nhớ nơi này lắm”.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất ở khu cách ly, cháu Trần Minh Khôi (tên Hàn Quốc là Kim Trang Yong) 1,5 tháng tuổi và mẹ là chị Trần Phương Trinh (28 tuổi, quê ở Bình Định) được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 (Trường Quân sự Quân khu 5) ưu ái dành cho một phòng riêng để ở. Ngoài chế độ tiêu chuẩn chung như mọi người, hai mẹ con còn được đơn vị chu cấp thêm xô, chậu, ấm điện, phích nước để thuận tiện sử dụng; riêng chăn chiếu được thay mới hằng ngày. Chị Phương Trinh xúc động: “Về Việt Nam, múi giờ, thời tiết có sự thay đổi lớn so với bên kia song có các y, bác sĩ ngày ngày đến tận nơi thăm khám, đo thân nhiệt nên tôi rất yên tâm. Có hôm tôi mệt, nửa đêm bộ đội còn nấu cháo gà cho ăn nữa. Các anh, các chú đối xử với mẹ con tôi như ruột thịt vậy. Vào đây mới có mấy ngày mà Minh Khôi được các cô, các chú tặng cho cả đống quần áo, đồ chơi”.

Công dân được  hướng dẫn viết tờ khai y tế  trước khi vào khu vực cách ly.
Công dân được hướng dẫn viết tờ khai y tế trước khi vào khu vực cách ly.

Theo Thượng tá Võ Đình Khánh, Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố có 4 khu vực cách ly do Quân khu 5 và Bộ CHQS thành phố tổ chức. Có những đêm các anh phải đón 3 - 4 đợt công dân trở về, mỗi đợt cách nhau vài giờ nên mọi người gần như thức trắng. Tham gia tiếp đón, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm mọi mặt đời sống cho người dân tại khu vực cách ly đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đội ngũ y, bác sĩ ngoài trình độ chuyên môn vững vàng còn phải có lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm rất cao. Quân số mỏng, để bảo đảm tốt mỗi ngày 3 bữa cơm ngon canh ngọt, 2 lần thăm khám và phun thuốc khử trùng, vệ sinh doanh trại, tuần tra canh gác, các cán bộ, nhân viên ở khu vực cách ly thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm để thực hiện nhiệm vụ. Ai cũng hiểu rằng, tuy được trang bị đầy đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn và luôn tuân thủ ngặt nghèo khuyến cáo của ngành Y tế nhưng nếu có mầm bệnh thì khả năng phơi nhiễm vẫn rất cao. Sau 14 ngày cách ly, nếu kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, các công dân sẽ được “xuất ngũ”, trở về với gia đình. Riêng các cán bộ, chiến sĩ vẫn phải ở lại khu cách ly để tiếp tục công việc của mình. Theo quy định, trong thời gian làm nhiệm vụ, các anh tuyệt đối không được về thăm nhà.

Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn lạc quan, hết lòng vì công việc, vì cộng đồng. Hơn ai hết, họ hiểu rằng việc chăm sóc công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về không chỉ là nhiệm vụ, mà quan trọng hơn, đó còn là trách nhiệm, tình cảm của những người con đất Việt dành cho nhau trong lúc khó khăn.

Không nên chủ quan, lơ là

Công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra thời gian qua đã được cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng triển khai hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19: "Việt Nam đã thắng trong trận đầu tiên chống dịch Covid-19".

Tuy nhiên, điều rất đáng lo ngại là đã bắt đầu xuất hiện tư tưởng chủ quan trong một bộ phận người dân. Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tình trạng tụ tập nơi đông người bắt đầu diễn ra phổ biến hơn; việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người lạ hay ở chốn nhiều người qua lại bắt đầu bị xem nhẹ; một số cơ quan, đơn vị đã bắt đầu tổ chức các cuộc họp, hội nghị có sự hiện diện khá đông người ở cùng một thời điểm… Trong khi Chính phủ và các địa phương phải cho học sinh nghỉ học có thể xem là một trong những biện pháp cách ly tự thân cho học sinh, thì một số bậc phụ huynh lại thường xuyên tụ tập nhiều gia đình cùng nhau vui chơi, ăn uống. Nguy hiểm hơn nữa là nhiều gia đình nhân dịp này lại cho con đi du lịch ở một số địa phương “nguy cơ cao”...

Những ngày gần đây dịch bệnh do Covid-19 đã xuất hiện và gây hại nặng ở hàng loạt quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Italy, Pháp, Mỹ… Nhiều nước trong số đó đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp” cho thấy diễn biến phức tạp, nguy hiểm của loại dịch bệnh này. Tại Việt Nam, mặc dù "đã thắng trong trận đầu tiên”, nhưng sự lơ là, chủ quan có thể sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt.

Giang Nam


An Khang


Ý kiến bạn đọc