Multimedia Đọc Báo in

Trao sinh kế giúp người có công thoát nghèo

09:40, 27/07/2020

Theo thống kê, đến cuối năm 2019 trên địa bàn tỉnh vẫn còn 125 gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, tập trung tại các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Năng, Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Krông Pắc, Lắk và Ea H’leo.

Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện tiến hành rà soát lại đối tượng chính sách người có công thuộc hộ nghèo. Bởi qua kiểm tra sơ bộ danh sách hộ nghèo do các địa phương báo cáo, Sở LĐ-TB&XH nhận thấy việc xác định đối tượng hộ nghèo thuộc diện người có công với cách mạng chưa đúng theo tiêu chí đề ra.

Ví dụ: vợ liệt sỹ tái giá, người thờ cúng liệt sỹ (anh, em của liệt sỹ), người hưởng chế độ theo Quyết định số 62/QĐ-TTg hay thanh niên xung phong… cũng được đưa vào đối tượng người có công là không đúng với quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công, ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc hỗ trợ các mô hình giảm nghèo đối với người có công. Để triển khai kế hoạch giảm nghèo đạt kết quả, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập tổ kiểm tra đi đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo tìm hiểu đời sống thực tế để xác định rõ thực trạng, nguyên nhân nghèo; quan trọng hơn là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh triển khai những biện pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, hiệu quả.

Đại diện ngành LĐ -TB&XH  trao mô hình bò sinh sản tặng thương binh Trương Minh Hồng  (thị trấn M’Đrắk,  huyện M’Đrắk).
Đại diện ngành LĐ -TB&XH trao mô hình bò sinh sản tặng thương binh Trương Minh Hồng (thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk).

Qua kiểm tra đã có 32 trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần phải ưu tiên hỗ trợ để cải thiện đời sống gia đình. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh trích từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh hơn 800 triệu đồng để hỗ trợ các đối tượng đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống… "Trao cần câu hơn xâu cá", Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho tỉnh tặng mô hình bò sinh sản, heo sinh sản; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, vốn kinh doanh…

Bà Lại Thị Loan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Nếu người có công thuộc diện hộ nghèo cần vật nuôi để phát triển kinh tế mà hỗ trợ giống cây trồng; hoặc cần sửa chữa nhà ở mà hỗ trợ bò là không sát với nhu cầu thực tế, khó có thể giúp họ thoát nghèo được. Chính vì vậy, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động kiểm tra, nắm bắt nhu cầu để trao đúng mô hình mà đối tượng cần. Không chỉ trao quyền chủ động cho người có công thuộc diện hộ nghèo lựa chọn mô hình sinh kế, được lựa chọn vật nuôi theo nhu cầu, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đồng hành với đối tượng được trao sinh kế giúp họ phát triển kinh tế hiệu quả”. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cùng chung tay với Sở LĐ-TB&XH trao sinh kế giúp người có công với cách mạng, gia đình chính sách có cơ hội thoát nghèo bền vững.

 
“Tỉnh đang tập trung xem xét, hướng dẫn xác nhận người có công với cách mạng đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020, cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công”.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Lại Thị Loan

Ông Y Cỡi Mlô, bệnh binh 58% (ở buôn Năng, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk) là một trong 7 người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo của huyện M’Đrắk được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh trao mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế. Được hỗ trợ 20 triệu đồng, ông Y Cỡi sang huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên tìm mua bò lai về nuôi với giá 17 triệu đồng; còn 3 triệu đồng ông dùng làm chuồng, mua thức ăn cho bò. Gia đình ông đang kỳ vọng sẽ thoát nghèo trong thời gian tới nhờ công việc chăn nuôi này.

Không giấu được niềm vui khi được nhận 20 triệu đồng để mua bò cái sinh sản về nuôi, ông Trương Minh Diện, bệnh binh 41% ở thôn Ea Tê (xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) bộc bạch: “Bấy lâu nay, gia đình tôi rất muốn nuôi bò, tạo vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo nhưng vì quá khó khăn nên không có đủ tiền đầu tư mua bò. Được tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò, gia đình tôi rất phấn khởi. Tôi tuyển chọn bò rất kỹ, có nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu là giống bò tại địa phương, phù hợp với khí hậu, tập quán chăn thả của gia đình. May mắn là gia đình tôi đã tìm mua được con bò cái đang mang bầu, không bao lâu nữa là sinh bê con”.

Cán bộ Sở LĐ- TB&XH tìm hiểu đời sống của hộ nghèo ở huyện Lắk, có thành viên thuộc đối tượng người có công.
Cán bộ Sở LĐ- TB&XH tìm hiểu đời sống của hộ nghèo ở huyện Lắk, có thành viên thuộc đối tượng người có công.

Hay như trường hợp của bà Phạm Thị Nhì, 73 tuổi là vợ liệt sỹ (ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar), chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ sổ tiết kiệm tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và được sự tư vấn của cán bộ Sở LĐ- TB&XH, bà Nhì đã được hỗ trợ chăn nuôi heo sinh sản bởi đây là mô hình phát triển kinh tế phù hợp nhất với gia đình bà. Với mô hình này, bà vừa có thời gian làm vườn, chăn nuôi heo, tận dụng được chuồng trại sẵn có và đặc biệt là bà có thời gian để chăm sóc người con trai bị bệnh không đi lại được.

Lê Hải Lý

Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.