Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới: Xóa bỏ định kiến giới trong các lĩnh vực (Kỳ 1)

08:18, 18/05/2021

Sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các vị trí lãnh đạo, cơ quan dân cử và vươn lên làm chủ cuộc sống. Nhưng để thu hẹp khoảng cách về giới, phụ nữ cũng cần tự hoàn thiện bản thân và mạnh dạn lên tiếng bảo vệ mình.

Kỳ 1: Quan tâm hỗ trợ phụ nữ tham chính

Tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính, chính là trao quyền cho phụ nữ, rút ngắn dần khoảng cách về giới trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Tạo “bệ đỡ” cho phụ nữ tham gia chính trị

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tham mưu, đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức, hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số... Đây là cơ sở để từng cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số xã Cư Huê tích cực tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa để giữ gìn nghề truyền thống.
Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số xã Cư Huê (huyện Ea Kar) tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa để giữ gìn nghề truyền thống.

Ngay sau khi có Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh đã tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy tổ chức đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ nữ các cấp. Qua đó đã kiến nghị với Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, không phê duyệt nhân sự đại hội nếu đơn vị chưa bảo đảm đủ tỷ lệ cán bộ nữ.

Hội LHPN các cấp còn chủ động tổ chức các hoạt động hỗ trợ để phụ nữ thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị như: Phát động đợt thi đua đặc biệt, tổ chức các hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức về giới và bình đẳng giới cho hội viên, tập huấn kỹ năng cần thiết cho nữ ứng cử viên tham gia HĐND lần đầu, cho cán bộ nữ chủ chốt các cấp...

Nhờ đó, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp cơ sở đạt 25,4% (tăng 3,4% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện 16,4% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước). Cán bộ nữ lãnh đạo cấp sở và tương đương chiếm 27,7%, cấp phòng và tương đương chiếm 31,36%. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 293 cán bộ nữ được điều động, luân chuyển; kết nạp mới 2.210 đảng viên nữ, chiếm 35% tổng số đảng viên mới được kết nạp.

Phấn đấu tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính qua bầu cử

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt khẳng định, công tác bình đẳng giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội bình đẳng tham gia vị trí lãnh đạo, giữ các chức danh chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trẻ hóa, dày dạn kinh nghiệm và trưởng thành hơn.

Hội LHPN tỉnh cùng các sở, ngành giám sát việc thực hiện chính sách đặc thù đối với phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Krông Bông.
Hội LHPN tỉnh cùng các sở, ngành giám sát việc thực hiện chính sách đặc thù đối với phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Krông Bông.
 

Vị trí, vai trò của cán bộ nữ, nữ đại biểu HĐND các cấp ngày càng được nâng cao và có đóng góp nhất định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính sẽ góp phần tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.

 

 
Chủ tịch HĐND tỉnh  Y Biêr Niê

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh đạt 22,35%, cấp huyện 24,91%, cấp xã 26,4%, tăng hơn nhiệm kỳ trước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23-5-2021 tới đây là cơ hội để tiếp tục thực hiện mục tiêu tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính. Theo Nghị quyết 1187 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, bảo đảm có ít nhất 35% người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ, phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30%.

Sau các bước hiệp thương, tỉnh đã thông qua danh sách chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cụ thể, có 8/15 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV là nữ (kể cả số đại biểu do Trung ương giới thiệu), chiếm tỷ lệ 53,3%; tỷ lệ ứng cử viên nữ đại biểu HĐND tỉnh khóa X chiếm trên 39,2%. Điều này cho thấy, tỷ lệ ứng cử viên nữ tại tỉnh ta đã bảo đảm cao hơn quy định trong Nghị quyết 1187.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tỷ lệ nữ trúng cử đạt 30% trở lên. Bởi theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Biêr Niê, định kiến giới về vai trò, năng lực lãnh đạo của phụ nữ vẫn còn tồn tại. Nhiều người cho rằng phụ nữ chỉ nên giữ vị trí cấp phó. Chính những định kiến này là rào cản vô hình, hạn chế cơ hội trúng cử và tham chính của phụ nữ. Thêm vào đó, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa biết về quyền trong lĩnh vực chính trị của phụ nữ, bao gồm các quyền như tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quyền được lấy ý kiến trong các cuộc họp ở thôn, buôn, tổ dân phố.

Cũng theo đồng chí Y Biêr Niê, để nâng cao khả năng trúng cử của nữ giới, các cấp, các ngành, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 gắn với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nữ, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phụ nữ trong tình hình mới”, Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Cử tri, nhất là cử tri nữ tự giác, tích cực, chủ động nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử, để có đầy đủ thông tin, sáng suốt lựa chọn, bầu cho các nữ ứng viên đủ phẩm chất, năng lực. Mỗi người cần tự mình đi bầu cử, tránh tình trạng nhờ bầu hộ sẽ có thể làm giảm cơ hội trúng cử cho nữ ứng cử viên.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.