Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ mới hết cảnh học nhờ?

10:14, 25/09/2017

Năm học 2017-2018 này, các cháu tuổi mầm non ở xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) lại vẫn phải học nhờ trong các lớp học tạm bợ.

Trường Mầm non Ea Tar (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) có 2 phân hiệu, phân hiệu chính tại buôn M’Lăng, chỉ có 1 phòng học. Điểm trường thuộc phân hiệu 2 nằm ở thôn 3, gần trung tâm khu xã hơn nhưng lại không đủ phòng để học nên từ năm 2012 đến nay, trường phải mượn Trung tâm học tập cộng đồng của xã để mở 4 lớp học. Nói là “trung tâm” nhưng đó cũng chỉ là căn nhà cấp 4 đơn sơ, nhiều hạng mục đã xuống cấp, sàn nhà hoen ố, tường bị bong tróc nhiều mảng, thấm nước. Gọi là lớp học chứ thật ra chỉ là căn nhà lớn, tường được ngăn với nhau bởi mấy tấm phên để thành các phòng, lấy chỗ học cho các cháu. Mấy năm nay, lớp học nhỏ ấy được kê vài bộ bàn ghế phục vụ việc dạy và học, buổi trưa, các cô lại phải xếp gọn bàn ghế ra ngoài hành lang để làm chỗ ngủ cho các cháu, đầu giờ chiều, lại tiếp tục di chuyển bàn ghế vào lớp để học tiếp. Cứ tranh thủ giờ ngủ trưa, các cô lại ngồi cắt giấy, trang trí lớp học để dán vào các mảng tường gạch nhếch nhác. Thỉnh thoảng lại phải nhờ phụ huynh sửa sang lại trần nhà, lợp lại mái tôn cho đỡ dột ướt. Lớp học tạm bợ, việc chăm trẻ lứa tuổi mầm non lại càng khó khăn gấp bội phần. Vào mùa hè thì quá oi nồng, mùa đông gió lạnh nhưng các cô cũng không dám đóng kín hết cửa vì phòng nhỏ quá, sợ không bảo đảm khí thở.

Lớp học tạm tại phân hiệu 2 Trường Mần non Ea Tar khá chật chội, khó khăn cho việc dạy và học.
Lớp học tạm tại phân hiệu 2 Trường Mần non Ea Tar khá chật chội, khó khăn cho việc dạy và học.

 

Cô Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, có 140 hồ sơ nộp vào xin nhập học cho các cháu nhưng nhà trường chỉ đành tiếp nhận 100 hồ sơ vì cơ sở vật chất không đáp ứng, lớp học đã quá chật.

Cô Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do mượn tạm chỗ học nên phòng chật chội, thiếu ánh sáng, cơ sở vật chất không bảo đảm khiến các cháu chịu nhiều thiệt thòi, nhất là khu vực vệ sinh không được bố trí dành riêng cho trẻ nên nảy sinh nhiều bất tiện. Đồ chơi cho trẻ được cấp theo chương trình giáo dục mầm mon nhưng không có chỗ để bố trí phục vụ trẻ.

Được biết, đầu năm học 2017-2018, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhà trường đã xin được ít kinh phí sửa chữa. Dù không còn lo cảnh mưa dột, nhưng khó khăn thì vẫn chưa hết. Một cô giáo ở đây cho biết, bất tiện nhất là phòng được ngăn ra quá nhỏ, một lớp diện tích chỉ khoảng 30m2, nhưng có đến hơn 30 trẻ theo học. Trẻ con vốn hiếu động, ưa chạy nhảy nhưng không gian lớp quá chật nên các cô phải vừa dạy học, vừa canh chừng để bảo đảm an toàn cho các cháu.

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cư M’gar, năm 2015, UBND tỉnh đã có chủ trương thu hồi 10.708m2 đất tại thôn 4, xã Ea Tar của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk giao cho UBND huyện quản lý, và theo quy hoạch sẽ xây dựng Trường Mầm non Ea Tar. Hiện, huyện đang tiến hành việc bố trí vốn để chi trả bồi thường. Như vậy, chủ trương đã có từ lâu nhưng đến nay, cô trò nơi đây vẫn phải mượn tạm nơi để dạy và học. Những lớp học tạm bợ này không biết kéo dài đến bao lâu nữa.Theo người dân trong xã, họ đã nhiều lần phản ánh tình trạng học tạm này trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó, người dân rất mong có trường, lớp mới kiên cố để các cô và các cháu yên tâm dạy và học. Bởi nếu không có lớp mầm non tại đây, các cháu sẽ không được học chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. 

Thục Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.