Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số

15:30, 29/09/2018

Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) được thành lập năm 2004. Thời gian đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn nên chất lượng giáo dục chưa cao.

Xã Ea Kuêh lại thuộc vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, tỷ lệ hộ nghèo cao, một số thôn, buôn cách xa trung tâm hàng chục cây số, dẫn tới tỷ lệ học sinh bậc THCS bỏ học cao.

Với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp khang trang, cùng những nỗ lực khắc phục khó khăn của thầy, trò và phụ huynh nhà trường, những năm gần đây, Trường THCS Trần Quang Diệu đã vươn lên trở thành điểm sáng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Thầy Phan Hữu Xá, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu tự hào: “Một trong những chuyển biến rõ nhất là từ năm 2009, nhà trường cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh đã duy trì có hiệu quả mô hình “nhà bán trú dân nuôi” cho học sinh người dân tộc thiểu số. Mô hình này đã giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường hơn 10 km, không thể đi về trong ngày được ở lại trường học tập thuận lợi”.

Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu trong một tiết học.
Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu trong một tiết học.

Những năm học vừa qua, thường xuyên có hơn 40 học sinh dân tộc thiểu số được bố trí ăn ở tại nhà bán trú. Các em còn được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước như được hỗ trợ gạo trong 9 tháng, với mức 15 kg gạo và 650 nghìn đồng/học sinh/tháng. Năm học 2018 - 2019, nhà bán trú của trường đón 22 học sinh người dân tộc thiểu số của buôn Sê Đăng lưu trú. Việc duy trì mô hình bán trú đã giúp hàng trăm lượt học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục đến trường; trong đó, nhiều em trở thành học sinh khá, giỏi và tiếp tục học lên bậc học cao hơn khi tốt nghiệp THCS. Qua tìm hiểu cho thấy, mô hình nhà bán trú đã chấm dứt tình trạng học sinh THCS ở xã Ea Kuêh bỏ học, góp phần quan trọng để năm 2018 này Ea Kuêh đạt phổ cập THCS.

Về hiệu quả mô hình nhà bán trú, ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Cư M’gar nhận xét: “Mô hình nhà bán trú Trường THCS Trần Quang Diệu, xã Ea Kuêh thực sự là điểm sáng trong chăm lo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn ở Tây Nguyên”.

Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu tập thể dục giữa giờ.
Học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu tập thể dục giữa giờ.

Bên cạnh đó, với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, tâm huyết gắn bó với nghề nên chất lượng dạy và học của Trường THCS Trần Quang Diệu những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Hiện nay, trong số 32 giáo viên trực tiếp giảng dạy thì 100% đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn 55%. Tổng kết năm học 2017 - 2018, nhà trường có tỷ lệ học sinh giỏi 17,53%, khá 42,03%, trung bình 39,64%; có 32 học sinh giỏi cấp trường, 20 học sinh giỏi cấp huyện và 5 học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2017 - 2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của trường luôn đạt 100%.

Bước sang năm học 2018 - 2019, Trường THCS Trần Quang Diệu quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia.

Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.