Multimedia Đọc Báo in

Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm - một đời tận tụy

14:01, 25/11/2019

Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm tham gia hoạt động Việt Minh từ năm 1945. Được dân tín nhiệm, ông làm đại biểu cho đồng bào dân tộc thiểu số suốt từ Quốc hội khóa I (1946) đến hết khóa IX (1997).

Những năm 1954 – 1975, Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm đã tham gia nuôi dạy các cháu học sinh dân tộc thiểu số miền Nam ở Trường Cán bộ dân tộc thiểu số Trung ương, sau đó là học sinh toàn miền Nam ở khu giáo học xá Quế Lâm, Trung Quốc. Thời gian này, việc nuôi nấng và giáo dục, đào tạo hàng nghìn học sinh miền Nam trở thành đội ngũ cán bộ đông đảo để sau ngày đất nước thống nhất trở về xây dựng quê hương.

Năm 1976, làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông tiếp quản và gây dựng lại trường dạy nghề, đưa nhóm học sinh Tây Nguyên cuối cùng vào học nghề thợ cơ khí. Chắc chắn rằng, đội ngũ hơn 3.000 cán bộ dân tộc thiểu số Tây Nguyên trưởng thành từ miền Bắc về đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc xây dựng và phát triển toàn diện vùng đất Tây Nguyên suốt hơn 40 năm qua.

Trong số đó, có rất nhiều người giữ vai trò quan trọng trong cơ quan chính quyền các tỉnh Tây Nguyên, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực như: nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, bác sĩ Sô Lây Tăng (dân tộc Jẻ); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bác sĩ Măng Đung, Đinh Klum (dân tộc Bana); Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, thiếu tá Công an Ksor Phước (dân tộc J’rai); Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk,  kỹ sư Y Ly Niê Kdăm; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, thạc sĩ giáo dục Mai Hoa Niê Kdăm (dân tộc Êđê); các Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Đinh Xuân La…

Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm  (1922 - 2001).    Ảnh tư liệu
Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm (1922 - 2001). Ảnh tư liệu

Năm 1976, rời chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND, rồi sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông tích cực đề xuất hai Bộ Văn hóa – Thông tin và Bộ Giáo dục để năm 1977 thành lập Trường Đại học Tây Nguyên (mời giáo sư Y Tlam về làm Hiệu trưởng) và Trường Nghiệp vụ Văn hóa thông tin tại Đắk Lắk (mời nhạc sĩ Kpă Púi làm Hiệu trưởng). Đây là những trường đầu tiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đào tạo khoa học và văn hóa nghệ thuật, thực hiện nhiệm vụ phát triển đồng đều các lĩnh vực ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Thư ký của ông là kỹ sư Phùng Xuân Trường kể,  niên khóa 1979 -1980 có tới 85% học sinh người dân tộc thiểu số tốt nghiệp lớp 12 được tuyển thẳng vào Trường Đại học Tây Nguyên, tùy theo sức học mà vào các khoa y, nông lâm nghiệp. Rất nhiều sinh viên ngày đầu tiên ấy đã trở thành những chủ tịch, bí thư, giám đốc… tận tụy và tận tâm với nhiệm vụ xây dựng và phát triển Tây Nguyên.

Từ 1987 - 1997, ông rời nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk để nhận trách nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Trong 10 năm lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên, ông đã mở ra tiền lệ đào tạo hệ B cho những ai có nhu cầu đóng tiền vào theo học và cử tuyển những học sinh người dân tộc thiểu số có kết quả học tập tốt ở khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; thậm chí cho phép được cử tuyển cả học sinh người dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long vào khoa Y. Nhờ những chủ trương ấy, Trường Đại học Tây Nguyên trở thành trường có tỷ lệ sinh viên theo học đông nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên; có năm có đến hơn 2.000 sinh viên người dân tộc thiểu số.

Với những đóng góp trên, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Nhưng trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những đồng nghiệp, những cựu học sinh Trường Dân tộc thiểu số Trung ương hay học sinh miền Nam từng học ở khu học xá Quế Lâm, ông đã là Nhà giáo thân yêu của nhân dân từ lâu rồi. 

Từ một thanh niên người dân tộc Êđê mới 24 tuổi, học Trung cấp Y khoa Sài Gòn, được Việt Minh giác ngộ, tự thấy phải tham gia đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng của chính dân tộc mình, nhận sự tin yêu của nhân dân trong lần bầu cử Quốc hội khóa I đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi ra chiến khu Việt Bắc công tác, được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng dạy dỗ, đồng chí Y Ngông Niê Kdăm đã luôn sống xứng đáng với lòng tin của đồng bào các dân tộc, với con đường mà mình đã tin theo, suốt một đời tận tụy với dân, với sự nghiệp giáo dục.

      H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.