Multimedia Đọc Báo in

Xung đột sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa có hồi kết

17:35, 23/07/2011
Chiến dịch trấn áp bạo lực và truy quét các phần tử nổi dậy người Kurd  ở Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành mối lo ngại mới ở quốc gia nửa Âu, nửa Á này.

Ngày chủ nhật (17-7), người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã rầm rộ tuần hành tại một số thành phố để phản đối vụ các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tấn công và sát hại 13 binh sĩ Chính phủ tại tỉnh Diyarbakir, nơi có đa số người Kurd sinh sống. Sự việc này cho thấy, cuộc đấu tranh trấn áp bạo lực ở Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài ngót 3 thập kỷ qua vẫn còn nhiều cam go, đẩy đất nước vào những bất ổn khó lường.
Những người biểu tình mang quốc kỳ và hô vang các khẩu hiệu tại thành phố Istanbul, thủ đô Ankara và nhiều thành phố khác trên khắp cả nước để bày tỏ thái độ phẫn nộ với hành động bạo lực mà các tay súng người Kurd gây ra. Họ phẫn nộ bởi đây không phải là vụ bạo lực đẫm máu duy nhất liên quan tới các tay súng người Kurd mà suốt từ năm 1984 đến nay, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và xã hội luôn tiềm ẩn bất ổn bởi những hành động thù địch này.
N
Người biểu tình mang cờ và hô vang khẩu hiệu phản đối PKK.   (nguồn: Internet)
Nguồn gốc của vấn đề người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, trên thực tế hết sức phức tạp. Trong lịch sử, người Kurd từng bị đàn áp lâu dài. Với dân số 20-25 triệu người, người Kurd là nhóm dân tộc lớn thứ tư ở Trung Đông và hình thành nên dân tộc đông nhất trên thế giới không có nhà nước, phân bố khắp các vùng của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq. Trong tổng số người Kurd đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 13 triệu người. Tuy đến nay, đã có hàng triệu người Kurd nhập quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ nhưng mối giao hảo giữa hai sắc dân trên thực tế vẫn gượng ép, có những vấn đề biên giới và sắc tộc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd vẫn khiến tình hình rất căng thẳng.
 
Lo ngại việc các nước lớn sẽ cho tái lập quốc gia Kurdistan nên Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn phải phòng vệ trước. Được thành lập vào những năm 1970, Đảng Công nhân người Kurd (viết tắt là PKK) đã phát động một cuộc chiến tranh vũ trang chống lại Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984, kêu gọi thành lập một nhà nước Kurd độc lập bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, ở vùng Đông Nam với địa danh chính là tỉnh Diyarbakir. Hành động này đã gây những xung đột nghiêm trọng giữa PKK với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Thế rồi, PKK từng bị giáng một đòn mạnh vào năm 1999 khi lãnh đạo của đảng này là Abdullah Ocalan bị bắt.
 
Đến nay đã có hơn 30.000 người chết kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào năm 1984. Cuộc chiến của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd nổi dậy và gây nhiều thương vong… trên thực tế nhận được sự ủng hộ của quốc tế với mong muốn sớm chấm dứt xung đột bạo lực, xây dựng cuộc sống hòa bình với sự tồn tại của người Kurd như một sắc tộc trong quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, điều kiện từ phía nhiều người Kurd cũng là Chính phủ nước này cần làm nhiều hơn để cải thiện quyền của nhóm người Kurd thiểu số.
 
Thế nhưng, những vấn đề này, cũng giống như mọi cuộc xung đột sắc tộc ở nhiều quốc gia khác không dễ gì được giải quyết triệt để, khiến bạo lực, đổ máu và những chiến dịch truy diệt các phần tử nổi dậy vẫn liên tục tái diễn. Từ năm 2004, PKK nối lại chiến dịch bạo lực và cuộc chiến dần leo thang, bất chấp nhiều lần có ngừng bắn đơn phương.
 
Và lần này, vụ tấn công các binh sĩ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại nổ ra với những thương vong không nhỏ đã khiến tình hình càng trở nên tồi tệ. Một ngày sau đó, các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, với sự yểm trợ của máy bay ném bom và trực thăng, đã mở cuộc tấn công lớn nhằm vào khu vực Diyarbakir ở Đông Nam nước này. Vụ tấn công bạo lực, trên thực tế xảy ra chỉ vài giờ sau khi các nghị sĩ thuộc Đảng Công nhân người Kurd và chính phủ không đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt việc các nghị sĩ người Kurd tẩy chay Quốc hội, tuyên bố quyền tự trị tại khu vực họ đang sinh sống và chiếm số đông ở Diyarbakir.
 
Trong cuộc tấn công trả đũa lực lượng người Kurd nổi dậy, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh bạo lực do các tay súng người Kurd ở khu vực Diyarbakir gây ra sẽ không mang lại điều gì. Những cuộc biểu tình phản đối đã và sẽ còn diễn ra…, rồi hệ lụy sẽ là căng thẳng giữa các sắc tộc trong tương lai.
 
Và quả như vậy, chiến dịch trấn áp bạo lực và truy quét các phần tử nổi dậy người Kurd mà Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành vẫn hết sức khó khăn. Vấn đề vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều. Đó cũng là lo ngại chung hiện nay về một tình hình bất ổn mới ở quốc gia nửa Âu, nửa Á vốn còn tồn tại không ít vấn đề phức tạp này.
( Theo VOVNews)

Ý kiến bạn đọc