Multimedia Đọc Báo in

Nhiều địa phương còn hạn chế trong ứng dụng Công nghệ thông tin - truyền thông

10:51, 01/09/2011

Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) vừa công bố báo cáo kết quả đánh giá chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông ICT Index  năm 2011 cho khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả này đã cho thấy hầu hết các địa phương đều chưa sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT

Mới có 43,2% cán bộ sử dụng email trong công việc
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật được gia tăng, thế nhưng tỷ lệ sử dụng email trong công việc của cán bộ công chức cơ quan Nhà nước ở các tỉnh, thành phố lại giảm sút. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, tỷ lệ đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật của các tỉnh, thành phố năm 2011 đã được nâng lên mức 1,859 triệu đồng/cán bộ công chức viên chức, trong khi năm 2010 chỉ là 1,51 triệu đồng và năm 2009 chỉ có 659 nghìn đồng. Cũng trong năm 2011, tỷ lệ máy tính và máy tính có kết nối Internet băng rộng trong các cơ quan Nhà nước của các tỉnh, thành phố đều tăng so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ máy tính đạt 0,38%, cao hơn mức 0,31% của năm 2010 và 0,30% của năm 2009; tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng rộng đạt 79,6%, cao hơn mức 73,5% năm 2010 và 71,2% năm 2009.

Tuy nhiên, việc sử dụng thư điện tử của cán bộ công chức lại giảm sút cả về lượng và chất. Cụ thể, chỉ có 42% cán bộ công chức được cấp hòm thư điện tử, giảm hơn 2% so với mức 44,7% năm 2010. Tỷ lệ cán bộ sử dụng thư điện tử trong công việc giảm tới gần 4%, chỉ đạt 43,2% trong khi năm trước đạt 47%.
Với tỷ lệ chỉ 43,2% cán bộ công chức sử dụng thư điện tử trong công việc, các tỉnh, thành phố sẽ rất khó đạt được mô hình chính quyền điện tử, một trong những thành tố rất quan trọng để đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT vào năm 2020.

Tin học hóa: Càng cấp cao càng chậm
Một điểm đáng lưu ý nữa là ở các tỉnh, thành phố, việc tin học hóa các thủ tục hành chính (TTHC) vẫn đang tiến triển khá chậm chạp.

Ở cấp UBND tỉnh, thành phố, mới chỉ có 17,5% số lượng TTHC được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, còn tới 59,7% được thực hiện hoàn toàn thủ công. Ở cấp sở, ban, ngành, hoạt động tin học hóa đang ở giai đoạn “chuyển mình”, với 46,9% TTHC được thực hiện một phần trên máy tính, tỷ lệ TTHC được thực hiện hoàn toàn thủ công chỉ còn 24,2%, thấp hơn mức 28,9% TTHC được thực hiện hoàn toàn trên máy tính. Còn ở cấp quận, huyện, tỷ lệ TTHC thực hiện hoàn toàn thủ công chỉ còn 31%, cao hơn tỷ lệ 30,6% TTHC được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, và thấp hơn tỷ lệ 38,4% TTHC được thực hiện một phần trên máy tính.

Xếp hạng chung về độ sẵn sàng ứng dụng CNTT của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, không có đơn vị nào đạt mức tốt. Nhóm đạt mức khá gồm 20 tỉnh, thành phố, với 3 vị trí dẫn đầu là Đà Nẵng (đạt chỉ số ICT Index 0,7547), TP.Hồ Chí Minh (0,6739), Bắc Ninh (0,6571). Nếu đánh giá một cách chặt chẽ thì thực ra chỉ số của TP.Hồ Chí Minh và Bắc Ninh cũng chỉ thuộc dạng trung bình khá. Nhóm đạt mức trung bình cũng có 20 tỉnh, thành phố, gồm Hải Dương, Lâm Đồng… Và còn tới 23 tỉnh, thành phố vẫn có độ sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT ở mức thấp, trong đó, 5 vị trí “chót bảng” là Cao Bằng  (0,3024), Điện Biên (0,2919), Sơn La (0,2375), Dak Nông (0,2032) và Hà Giang (0,2005). Những địa phương này vẫn chưa thay đổi được “truyền thống” đứng cuối bảng xếp hạng nhiều năm qua.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT vào năm 2020. Nếu không có những bứt phá, tăng tốc thực sự thì “bức tranh” ứng dụng CNTT-TT nêu trên sẽ là “lực cản” rất lớn khiến những mục tiêu đề ra khó trở thành hiện thực.

Theo ICTnews

Ý kiến bạn đọc