Multimedia Đọc Báo in

Xu hướng liên kết các mạng xã hội Việt Nam

14:07, 19/09/2011

Chơi game của Zing me trên Go.vn hay dùng tài khoản tamtay.vn để đăng nhập vào các mạng xã hội “made in Việt Nam” khác… đó là những ví dụ điển hình cho xu thế liên kết đang diễn ra giữa các mạng xã hội nội địa.

Đem lại nhiều lợi ích cho người dùng
Trên thế giới, nhu cầu tích hợp, kết nối các mạng xã hội lại với nhau đang ngày càng trở nên phổ biến, như việc Facebook kết hợp với Yahoo!, khi đó, người có cả tài khoản Facebook và Yahoo! có thể dễ dàng chia sẻ thông tin, trạng thái qua lại giữa 2 dịch vụ. Xu hướng này hiện đang rất phổ biến tại các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Các mạng xã hội Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Từ ngày 16-6, người dùng của Go.vn có thể sử dụng tên truy cập và đồng tiền của mạng này để chơi và thanh toán trong ứng dụng game truyền thống do Tamtay.vn phát triển. Bên cạnh đó, Zing Me, Go.vn cũng đã có những hợp tác với nhau, khởi đầu bằng việc đặt nút chia sẻ thông tin giữa trên hai website hay mới đây 2 mạng xã hội này đang tiến hành đưa các ứng dụng sản phẩm dịch vụ của Go.vn (app) lên nền tảng mở của Zing Me và ngược lại.

Ông Vương Quang Khải, Phó Giám đốc VNG cho biết, do Zing Me và Go.vn đều là những mạng có lượng người dùng Việt Nam đông đảo nên việc kết nối hai tập khách hàng lớn sẽ mang lại nhiều ích lợi cho cả hai bên. “Trở ngại lớn nhất trong việc liên kết là vấn đề kỹ thuật khi các tiêu chuẩn mở để kết nối mạng xã hội như Open Social vẫn còn khá sơ khai”, ông Khải cho biết thêm. Còn đối với các liên kết sâu và chặt chẽ hơn như tài khoản dùng chung cho tất cả các mạng xã hội, cả ông Khải cũng như ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc VTC Online, Trưởng dự án Go.vn hay ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Tamtay, đơn vị sở hữu Tamtay.vn đều khẳng định: Đây là xu thế tất yếu nhưng “sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn nữa” do các mạng xã hội đều mới thành lập được vài năm và cần thời gian để hoàn thiện.

Tuy nhiên, ông Khải cho rằng, ở Việt Nam, liên kết tạo thành hệ sinh thái gặp nhiều khó khăn hơn so với nước ngoài do các công ty, dịch vụ Việt Nam chưa quen với việc liên kết, hợp tác với nhau. Cụ thể, mạng xã hội Zing Me cũng phải nỗ lực nhiều trong việc thuyết phục các website trong nước đặt nút chia sẻ nội dung trên các website này, dù đây là sự hợp tác mà hai bên cùng có lợi khi Zing Me mang lại nguồn traffic rất lớn cho các đối tác nội dung. Theo ông Khải, thực tế cho thấy, Zing hợp tác với các đối tác quốc tế như Google, Sony, Samsung, Yahoo diễn ra nhanh và thuận lợi hơn nhiều so với các đối tác trong nước.

Mặc dù vậy, khi xu hướng nền tảng mở ngày càng phổ biến, tiêu biểu gần đây là “cuộc chiến” giữa ba hệ sinh thái di động Nokia, iOS và Android… thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng dần nhận thức được tầm quan trọng của các xu hướng này. Việc Zing, Go.vn và Tamtay công bố nền tảng với sự hỗ trợ toàn diện cho nhiều đối tác nội dung và quảng cáo hy vọng sẽ là bước mở đầu cho xu hướng hợp tác của các dịch vụ nội dung số với nhau. Việc liên kết sẽ tạo ra thuận tiện hơn cho người sử dụng khi có thể sử dụng dịch vụ của mạng xã hội này trên các mạng xã hội khác thay vì phải chia sẻ thời gian truy cập Internet trên mỗi mạng. Bên cạnh đó, các dịch vụ, sản phẩm cũng sẽ phong phú hơn do được tích hợp những dịch vụ của các mạng xã hội khác.

Tạo mạng lưới rộng và phong phú nội dung
Ông Khải khẳng định, việc các doanh nghiệp mạng xã hội liên kết với nhau sẽ hình thành mạng lưới rộng hơn và tạo ra sự phong phú về nội dung, tiện ích cho người dùng trong hệ thống đó. Việc liên kết này sẽ không làm mất đi bản sắc của các mạng xã hội Việt Nam và mục đích của việc liên kết cũng không nhằm tạo đối trọng cân bằng với bất kỳ mạng xã hội quốc tế nào. “Trong tương lai, tôi dự đoán xu hướng liên kết sẽ không dừng lại ở các mạng xã hội của cùng một quốc gia mà sẽ mở rộng ra phạm vi toàn cầu: giữa các mạng xã hội của quốc gia này với quốc gia khác. Tiên phong cổ xuý cho xu hướng này theo tôi sẽ là Google Plus. Khi đó, Zing trở thành một phần của hệ sinh thái toàn cầu thông qua việc kết nối theo các tiêu chuẩn mở”, ông Khải nói.

Trái với quan điểm của ông Khải, ông Tuấn và ông Sơn đều cho rằng, việc các mạng xã hội “bắt tay” với nhau sẽ tạo đối trọng đủ cân bằng với các mạng xã hội như Facebook hay Google Plus. Thậm chí, theo ông Sơn, các mạng xã hội có thể liên kết thành Hiệp hội để có tiếng nói với Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho hàng nội, “như những điều khoản cấm đoán với các mạng xã hội Việt Nam thì cũng phải cấm Facebook, Google Plus”.

Theo số liệu comScore tiến hành nghiên cứu về truyền thông xã hội Việt Nam được công bố hồi cuối tháng 8, trong số những người sử dụng Internet tại Việt Nam thì có 87,5% người dùng đã và đang sử dụng các mạng xã hội. Mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất là Zing Me, chiếm 44,6% và Go.vn chiếm 14,1%. Đa số những người sử dụng mạng xã hội là những người trẻ, nằm trong độ tuổi từ 15-34 (chiếm 71%).

(Theo Báo Bưu điện Việt Nam)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.