Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi từ phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành Điện

20:11, 22/02/2015

Phong trào “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất” được triển khai rộng rãi trong Công ty Điện lực Dak Lak thời gian qua đã khơi gợi được sức sáng tạo, thu hút đông đảo người lao động tham gia và thật sự đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn công ty.

Khó có thể kể hết những giá trị kinh tế từ phong trào này mang lại, song, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ra đời, ứng dụng vào trong thực tiễn sản xuất đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian. Ông Tạ Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Dak Lak, Chủ tịch hội đồng “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất” cho hay, đơn vị luôn coi trọng và khuyến khích các sáng kiến của người lao động. Trong đó, giá trị cốt lõi nhất là khả năng ứng dụng vào thực tiễn và hiệu quả của các sáng kiến ấy mang lại.

Để phong trào phát huy hiệu quả, ngay từ đầu, Công ty đã lên kế hoạch triển khai cụ thể, thành lập hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật để bình chọn, thẩm định các sáng kiến của người lao động, đồng thời tạo điều kiện về thời gian để họ thực hiện, hoàn thiện sáng kiến. Đều đặn hằng quý, hội đồng đều tổ chức xem xét, đánh giá, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để hoàn thiện các đề tài sáng kiến và có biện pháp khen thưởng kịp thời đối với những sáng kiến có tính khả thi, hiệu quả cao để động viên, khuyến khích tinh thần sáng tạo. Đây còn được coi là một hoạt động quan trọng để đánh giá xếp loại thi đua cho từng đơn vị. Nhờ đó, đã khơi dậy sức sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu trong đông đảo người lao động. Nhiều công nhân tại các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc đã mạnh dạn đề xuất, nghiên cứu, thử nghiệm trong thực tế sản xuất và cho ra đời nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ đắc lực cho công việc. Có thể kể đến sáng kiến “Nghiên cứu giải pháp kết nối các máy cắt Recloser với hệ thống MiniSCADA” của tác giả Hoàng Xuân Tứ - Kiều Thanh Liêm, đã đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Dak Lak năm 2013; hay như sáng kiến “Nghiên cứu giải pháp truyền thông kết nối các thiết bị đóng cắt (Recloser, LBS) có giao thức IEC 60870-5-101/104 trong hệ thống điện bằng sóng di động GPRS/3G với hệ thống miniScada hiện hữu” của tác giả Kiều Thanh Liêm - Trương Duy Anh, giành giải tại Festival Sáng tạo trẻ của Trung ương Đoàn năm 2014.

Hội đồng “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất” Công ty Điện lực Dak Lak họp, bình xét các sáng kiến.
Hội đồng “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất” Công ty Điện lực Dak Lak họp, bình xét các sáng kiến.

Điều đặc biệt ở Công ty Điện lực Dak Lak là hầu hết sáng kiến đều tận dụng các thiết bị hiện có hoặc một bộ phận đã hư hỏng của tủ điện, các loại máy cắt Reclose, vật liệu bỏ đi… để làm ra một thiết bị mới “đa năng” và nhiều tiện ích hơn. Điển hình như sáng kiến “Giải pháp cắt lõi thép có mặt phẳng nhét vào ống nối nhôm” của anh Hồ Văn Tuân, Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột giúp giảm thiểu được nhiều công sức và giúp thao tác cắt lõi thép được nhanh và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sáng kiến này đã được áp dụng rộng rãi trong toàn công ty. Trước thực tế, trong quá trình thi công và xử lý sự cố đối với đường dây trung áp (loại dây XLPE) thì việc cắt lõi thép của dây điện này là vô cùng khó khăn, bởi lõi rất cứng, đòi hỏi phải dùng lực lớn, hơn nữa người thợ phải đứng trên cao nên thao tác cắt lại càng khó. Anh đã suy nghĩ và tạo ra một loại máy cắt mới bằng cách lắp thêm một lưỡi dao cắt bằng hợp kim - được tận dụng từ các thiết bị không dùng tới- gắn vào má kìm thủy lực, giúp việc cắt lõi thép trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều, trong khi người sử dụng không cần phải bỏ ra nhiều sức lực. Tiện ích hơn, lưỡi dao cắt này được gia công rời, có thể ráp vào, tháo ra dễ dàng khi không có nhu cầu sử dụng. Tương tự, xuất phát từ thực tế phụ tải điện tại một số nơi trên địa bàn tỉnh thường bị quá tải vào mùa khô do nhu cầu sử dụng của người dân tăng đột biến, anh Hồ Xuân Lương - Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đã bỏ công mày mò, nghiên cứu và nghĩ ra cách sử dụng vật tư thu hồi để lắp đặt thêm máy biến áp dưới 160 kVA vận hành song song trên trạm biến áp có sẵn, để chống quá tải tạm thời trong mùa khô. Việc làm ý nghĩa này không những đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao tại một khu vực nào đó mà còn giúp khắc phục sự cố quá tải trở nên đơn giản và giảm thiểu chi phí hơn rất nhiều so với việc lắp thêm trạm biến áp mới.

Anh Đào Đức Thiện – Xí nghiệp Điện cơ, Công ty Điện lực Dak Lak với sáng kiến “Thiết bị thí nghiệm áp-tô-mát”.
Anh Đào Đức Thiện – Xí nghiệp Điện cơ, Công ty Điện lực Dak Lak với sáng kiến “Thiết bị thí nghiệm áp-tô-mát”.

Công ty Điện lực Dak Lak hiện có 16 điện lực trực thuộc, 2 xí nghiệp điện cơ với 960 CBCNV, giai đoạn từ năm 2010 đến 2014, toàn công ty đã  có gần 200 sáng kiến ra đời. Theo ông Tạ Minh, phong trào càng ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Nếu những năm trước, đa số các sáng kiến đều tập trung đổi mới, cải tiến phương thức cấp điện liên quan đến việc quản lý trong vận hành, sửa chữa lưới điện thì những năm gần đây đã xuất hiện nhiều đề tài có áp dụng kiến thức về công nghệ mới, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc đáng kể tại cơ sở như sáng kiến hệ thống điện điều khiểu từ xa các thiết bị điện trong hệ thống điện (Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Dak Lak), xây dựng chương trình nhắn tin thông báo tiền điện qua hệ thống tin nhắn SMS (Phòng Công nghệ thông tin, Công ty Điện lực Dak Lak)... Có thể nói, phong trào “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất” được triển khai ở Công ty Điện lực Dak Lak đã mang lại hiệu quả cao và ý nghĩa thiết thực. Phong trào đã dấy lên ở người lao động niềm say mê cống hiến hết mình cho công việc, tiếp tục cho ra đời nhiều sáng kiến phục vụ đắc lực trong công tác chuyên môn. Nói theo cách khiêm nhường của một “cây sáng kiến” trong ngành Điện đối với những “đứa con tinh thần” liên tiếp được mình sáng tạo ra: “Đơn giản, công việc đòi hỏi mình phải trăn trở, sáng tạo, nghĩ cách này cách nọ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Bấy nhiêu đó đủ để thấy, phải thực sự yêu, gắn bó với công việc này thì họ mới cho ra đời những sáng kiến hữu ích để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc tại đơn vị.

Duy Anh


Ý kiến bạn đọc