Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:39, 11/07/2016
Nhằm giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận những kỹ thuật canh tác mới và nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm qua, nhiều hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai thực hiện.
 
Đắk Lắk có đông đồng bào các DTTS, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hoặc kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; một bộ phận nhỏ hộ đồng bào DTTS thực hiện trồng rừng, bảo vệ rừng, làm nghề thủ công hay các dịch vụ kinh doanh nhỏ khác. Cụ thể, theo số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu đề tài “Đánh giá nguồn lực và đề xuất các giải pháp sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện năm 2015), có ít nhất 46,36% số hộ DTTS sống dựa hoàn toàn vào trồng trọt; 2,63% số hộ sống hoàn toàn dựa vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; 34% số hộ kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; 0,36% số hộ sống dựa vào nghề trồng, khai thác và bảo vệ rừng; 5,63% số hộ kết hợp trồng trọt với bảo vệ rừng. Đặc biệt, không có hộ gia đình DTTS nào sống chủ yếu dựa vào các hoạt động du lịch, dịch vụ. Năm 2011, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển chăn nuôi lợn sóc cho đồng bào dân tộc Êđê tại tỉnh Đắk Lắk” nhằm tiến tới chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế cho vùng đồng bào DTTS và phát triển kinh tế địa phương. Qua quá trình triển khai nuôi lợn sóc theo hướng tập trung ở các huyện M’Đrắk, Buôn Đôn, Ea Kar, Cư M’gar, Cư Kuin không chỉ cho kết quả tốt về thu nhập mà mô hình chăn nuôi này đã góp phần ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, thay đổi tập quán, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi ở địa phương. Cũng nhờ đó, bà con đồng bào DTTS ở các địa phương đã nhận thức được việc sản xuất theo hướng thị trường và hàng hóa đặc sản, đây là thuận lợi lớn cho việc phát triển chăn nuôi lợn sóc hiện nay.
Ông Y Bắp Nơm (bên phải), xã Bông Krang, huyện Lắk phát triển kinh tế từ sản xuất kết hợp chăn nuôi bò.
Ông Y Bắp Nơm (bên phải), xã Bông Krang, huyện Lắk phát triển kinh tế từ sản xuất kết hợp chăn nuôi bò.

Bên cạnh đó, nhằm khôi phục một số giống lúa cạn có chất lượng gạo ngon đang bị mai một do nông dân chuyển sang trồng các giống khác có năng suất cao hơn, năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Lắk đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình trồng lúa cạn bản địa Ba NjRang và Ba Mei có chất lượng cao tại xã Bông Krang (huyện Lắk). Được sự hướng dẫn của cán bộ trạm khuyến nông huyện, các hộ áp dụng mô hình đã thực hiện từ khâu làm đất, làm cỏ, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật… theo quy trình để phòng trừ các loại sâu bệnh. Qua theo dõi, các giống lúa bản địa Ba NjRang và Ba Mei có thời gian sinh trưởng từ 130-140 ngày, có đặc tính phát triển khỏe, cây cao, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất đạt 3,5 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư nông dân thu lợi nhuận 14 triệu đồng/ha. Kết quả cho thấy, khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất cây trồng mà với một số cây trồng bản địa sẽ được bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như có lợi thế về sản xuất hàng hóa thị trường, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. 

 
Mới đây, Sở KH&CN đã tiến hành nghiệm thu đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học góp phần phát triển bền vững ngô và lúa tại vùng đồng bào DTTS Đắk Lắk” do Trung tâm nghiên cứu đất phân bón và môi trường Tây Nguyên thực hiện. Được biết, qua điều tra tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) các hộ trồng ngô hầu như không sử dụng các loại phân hữu cơ và chỉ có gần 50% hộ trồng lúa có sử dụng phân hữu cơ nhưng đều thấp hơn so với quy định; tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) thì loại phân này không được các hộ dân cả trồng ngô và lúa quan tâm sử dụng; đây cũng là thực trạng chung của các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Do đó, để giúp người dân có thể tiếp cận và ứng dụng hiệu quả chế phẩm sinh học trong canh tác cây trồng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh vật chức năng (VSVCN) cho cây ngô và chế phẩm Neb-26 cho cây lúa. Cụ thể, nếu thay thế 15% lượng phân khoáng NPKCN bằng chế phẩm VSVCN cho cây ngô sẽ thu về lợi nhuận gần 17 triệu đồng/ha, cao hơn các vùng chỉ sử dụng phân NPK từ 11-13%. Còn nếu thay thế 25% lượng phân đạm bằng chế phẩm Neb-26 cho cây lúa thì mức lợi nhuận từ 11 – 12 triệu đồng/ha vụ hè thu và 13,6-14 triệu đồng/ha vụ đông xuân, cao hơn vùng không sử dụng Neb-26 từ 9-15%. Với những kết quả đạt được, để nhân rộng mô hình này, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn nhằm giúp người dân hiểu rõ, ứng dụng chế phẩm sinh học vào canh tác cây trồng; qua đó, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.
 
Được biết, trong những năm qua, toàn tỉnh đã có nhiều đề tài nghiên cứu hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS. Trong đó, những kết quả trên chỉ là số ít trong những hoạt động đã chuyển giao, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân, cũng như sự phát triển chung của cả vùng.
 
Thúy Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.