Multimedia Đọc Báo in

Canh tác độc canh khiến chuột đồng ăn thịt con

09:11, 24/02/2017
Có vẻ như tình mẫu tử thiêng liêng là điều xa lạ với loài chuột đồng hoang hamster ở vùng Alsace nước Pháp - nơi có truyền thống độc canh. Chế độ ăn thiếu niacin trầm trọng đã dẫn đến tình trạng chuột mẹ ăn thịt con để tồn tại.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường Alsace (RCEP) đăng trên tạp chí Phys.org (Anh) số cuối tháng 1-2017, chế độ ăn uống của loài chuột đồng hoang sống ở miền đông bắc nước Pháp chỉ có ngô dẫn đến thiếu vitamin khiến chúng phải ăn con của chính mình. Đây là cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của loài gặm nhấm mà người dân ở đây quen gọi là chuột hams, nhất là chi Cricetinae ở phía đông Tây Âu. Chuột hams, hamster, hay chuột đất vàng hoặc chuột hang thuộc phân họ Cricetinae, gồm 25 loài thuộc 6 hoặc 7 chi khác nhau. Hamster có khả năng đào hang để đuổi bắt côn trùng, có cặp túi má dài tới vai để mang thức ăn về tổ và là loài vật có thể thích ứng nhanh với các tác động của môi trường, di truyền.

Theo ông Gerard Baumgart, Chủ tịch RCEP, chuyên gia hàng đầu về chuột đồng hamster, từ xưa ngô đã được đưa vào canh tác ở châu Âu nhằm giải quyết nạn thiếu lương thực ở nhiều quốc gia, nhưng mặt trái của độc canh đã phát sinh ra căn bệnh mới, bệnh pellagra do thiếu niacin (vitamin B3) và tryptophan do chế độ ăn uống đơn điệu, đặc biệt gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của loài động vật hoang dã này. Gerard Baumgart còn khẳng định, chế độ độc canh nông nghiệp là mối đe dọa động vật hoang dã cao hơn cả biến đổi khí hậu, là nguyên nhân khiến số lượng chuột đồng ở Tây Âu ngày càng bị giảm sút.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Strasbourg (UoS) ở Alsace, Pháp đã tiến hành nghiên cứu để kiểm chứng giả thiết nói trên thông qua các chế độ ăn uống khác nhau ở chuột hamster, như ngô, lúa mì, rễ cây, củ quả, côn trùng sâu bọ. Kết quả, sự khác biệt trong chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến số lượng con sinh ra nhưng nếu chuột mẹ được ăn thực đơn đa dạng (gồm lúa mì, cỏ, côn trùng sâu bọ, giun đất...) thì tỷ lệ sống sót của con sinh ra cao tới 75% so với 5% ở nhóm chuột mẹ chỉ ăn ngô đồng. Chuột cái ăn ngô thường đưa con vào trong hang, sau đó ăn thịt con, và ngay sau đó chuột mẹ bắt đầu có những thay đổi về hành vi và thể chất. Qua nghiên cứu cho thấy, có vẻ như những con chuột trong nhóm ăn ngô đang mất dần bản năng làm mẹ, không đẻ con trong tổ mà đẻ vương vãi khắp nơi, sau đó đặt con lên đống hạt ngô rồi ăn thịt con. Nghiên cứu trên có tính đến các yếu tố ngoại lai như thuốc trừ sâu, cày bừa làm hỏng hang chuột, nhất là trong giai đoạn  sinh sản của chuột đồng vào mùa đông, nhưng những yếu tố này không phải là những tác động chính gây ra hiện tượng ăn thịt con của loài gặm nhấm này.

Chuột hamster Pháp biến thành thú ăn thịt do chỉ ăn ngô, hậu quả do canh tác nông nghiệp độc canh tức là chỉ trồng một loại cây trên một diện tích rộng thay vì đa dạng sinh thái. Từ nghiên cứu trên, khoa học cũng đã phát hiện thấy mối bất lợi của phương pháp độc canh đối với sự thụ phấn tự nhiên, tuy nhiên hiện tượng này chưa được quan tâm như ở động vật.

Các nhà khoa học còn phát hiện thấy nhóm chuột ăn ngô có những biểu hiện kì lạ như chạy lòng vòng, tấn công người khi cho ăn..., nhưng tất cả những điều này không đáng ngại bằng việc chúng “ăn sống nuốt tươi” con của mình. Những con chuột cái có lưỡi bị sưng, thâm xì, máu đặc đến nỗi các nhà khoa học không thể lấy mẫu thử được. Triệu chứng này giống với người mắc chứng thiếu vitamin B3, điều này cho thấy khẩu phần ăn từ ngô được chế biến không kỹ trong quá khứ từng là nguyên nhân gây gia tăng tỷ lệ tự sát, giết người và ăn thịt đồng loại. Căn bệnh pellagra từng được nhắc đến trong y văn thế giới khiến 3 triệu người tại Bắc Mỹ và châu Âu bị thiệt mạng hồi thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.

Để kiểm chứng tính chính xác của nghiên cứu, nhóm đề tài còn tiến hành một thử nghiệm thứ hai là cung cấp chế độ ăn toàn ngô nhưng lại cho chuột uống thêm vitamin B3. Kết quả, hiện tượng chuột mẹ ăn thịt con cũng như những bất thường khác đã giảm hẳn. Như vậy chỉ bằng một thay đổi nhỏ, hành vi của chuột hamster hoang đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Nguyễn Duy Hùng

 (Dịch từ Phys.org - 2/2017)


Ý kiến bạn đọc