Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

06:04, 06/06/2018

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, ngày càng gắn với thực tiễn cuộc sống; tạo ra nhiều sản phẩm mới, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, địa phương, tạo bước tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã có những tiến bộ vượt bậc nhờ nghiên cứu thành công và nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ (KH&CN) vào đời sống sản xuất. Kết quả nghiên cứu thể hiện rõ nhất qua việc đã lai tạo, chọn lọc, nhân giống cây trồng, vật nuôi cũng như nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ cho nông lâm nghiệp, môi trường, y tế. Nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học là việc duy trì và nhân giống các dòng vi sinh vật, sản xuất các tổ hợp men và vi sinh vật chức năng, ứng dụng rộng rãi các tổ hợp này vào xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, góp phần tăng cường sử dụng các dạng phân hữu cơ vi sinh trong trồng trọt, tạo ra một phong trào mạnh mẽ sử dụng phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để thay thế phân bón hóa học, vừa phát triển nông nghiệp bền vững vừa bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo giống con lai F1 giữa lợn đực rừng với lợn cái Sóc Tây Nguyên, bước đầu đưa vào sản xuất kinh doanh con giống và thương phẩm với kết quả cao. Hiện quy trình chăn nuôi lợn rừng lai F1 được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh con giống và thương phẩm tại huyện Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột và một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.
Nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Trong trồng trọt, thành tựu nổi bật nhất là đã đưa các giống lúa lai vào vùng khó khăn, chuyển giao các giống lúa mới như SYN 6, B-TE1, PHB 71, BIO 404 tại buôn Kbu, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. Đối với cây lâu năm đã chuyển giao đưa giống cây mắc ca vào trồng mô hình tại các huyện Krông Ana, Krông Năng; mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ, cây me Thái Lan tại huyện Buôn Đôn, trồng cà chua và hoa lan tại huyện Cư M’gar… Các mô hình này bước đầu chuyển giao đến với người dân tại các xã vùng sâu vùng xa, được hưởng ứng và nhân rộng khá hiệu quả.

Trong lâm nghiệp, qua các đề tài nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả việc trồng rừng kinh tế, làm cơ sở cho các công ty lâm nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển rừng trồng tại các huyện. Đặc biệt, với việc nghiên cứu thành công về kỹ thuật làm giàu rừng khộp bằng cây Tếch của các nhà nghiên cứu khoa học (Khoa Nông - Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên) tại một số vùng thuộc huyện Ea Súp cho thấy loại cây này rất phù hợp với đất rừng, bởi chịu được nắng nóng, nhiệt độ cao, có khả năng tái sinh mạnh. Nếu xảy ra cháy rừng, cây Tếch cũng có thể tự hồi sinh và phát triển như các loại cây họ dầu sinh sống trong rừng khộp. Với những lợi thế này đã khắc phục được nhược điểm của các loại cây khác như keo, tràm và cao su… Không những thế, việc trồng Tếch trong rừng khộp nghèo còn gia tăng chức năng phục hồi sinh thái, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, tạo điều kiện sinh sống cho các loài thú lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ…

Chế phẩm men vi sinh được trưng bày và phục vụ người dân tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh.
Chế phẩm men vi sinh được trưng bày và phục vụ người dân tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đề tài nghiên cứu dây chuyền liên hoàn sản xuất chế biến ca cao quả tươi thành bơ, bột ca cao và chocolate do Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) thực hiện, đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh đã đáp ứng được nhu cầu sơ chế, chế biến và nâng cao giá trị ca cao tại Đắk Lắk.

“Số đề tài nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống ngày càng được nâng lên (đạt khoảng 65%), tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các mô hình phát triển sản xuất đạt hiệu quả từ các đề tài nghiên cứu đã góp phần đa dạng hóa hệ thống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giúp người dân nâng cao thu nhập so với canh tác truyền thống, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân cũng như sự phát triển của tỉnh nhà’’, TS. Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở KH&CN khẳng định.

Có thể nói, kết quả các chương trình KH&CN cũng đã khẳng định thêm thế mạnh, tiềm năng kinh tế - xã hộicủa tỉnh. Một số kết luận khoa học từ đề xuất, giải pháp của các đề tài khoa học được dùng làm cơ sở để xây dựng các chỉ thị, nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như cung cấp luận cứ khoa học cho các phương án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.