Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản từ mô hình "Tình chị em"

16:03, 26/11/2016

Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế nhà nước” (còn gọi là dự án “Tình chị em”) được triển khai từ năm 2014 tại 30 trạm y tế thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố: Lắk, Krông Pắc, Cư Kuin, Buôn Đôn, TX. Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột từ năm 2014.

Sau 3 năm triển khai, Dự án không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo trạm y tế, nâng cao tay nghề cho cán bộ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản mà còn giúp nhiều phụ nữ trong vùng triển khai Dự án có điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng. 

Sau 3 năm triển khai các hoạt động tại tỉnh Đắk Lắk, Dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: 30 trạm y tế xã trong tỉnh được nâng cấp, sơn sửa phòng tư vấn; hàng trăm buổi truyền thông được tổ chức thông qua những buổi sinh hoạt nhóm tại cộng đồng, thăm hộ gia đình, truyền thông quảng bá thương hiệu trên loa phát thanh của xã… Theo đó, số lượng chị em đến khám tại các trạm y tế cũng tăng từ 20 -  50% so với trước khi Dự án triển khai. Trên cơ sở thành công của những trạm y tế được triển khai ban đầu, từ năm 2016, Ban Quản lý Dự án tỉnh đã nhân rộng triển khai mô hình tại 15 trạm y tế xã tại 6 huyện tham gia Dự án.

Một người dân đến khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).     Ảnh: Q.Nhật
Một người dân đến khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).  Ảnh: Q.Nhật

Gần 3 năm nay, phòng tư vấn “Tình chị em” tại Trạm Y tế xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đã trở thành điểm đến thân thuộc của nhiều phụ nữ trên địa bàn xã. Thái độ niềm nở, thân thiện của nhân viên y tế, cách tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người dân một cách tận tình đã khiến bệnh nhân rất hài lòng và tìm đến khám ở trạm y tế xã nhiều hơn. Như chị Lê Huyền Ly trước đây thường đến các cơ sở y tế tư nhân hay các bệnh viện tuyến trên khám phụ khoa nhưng từ khi Trạm Y tế xã Ea Uy có phòng tư vấn “Tình chị em”, chị thường xuyên đến khám ở đây bởi tác phong làm việc cũng như tay nghề của các y, bác sỹ tại trạm đã được nâng cao rõ rệt. Chị Ly chia sẻ: “Sau vài lần được tư vấn và khám tại trạm, tôi thấy rất yên tâm. Cơ sở, trang thiết bị đầy đủ, thái độ làm việc của cán bộ y tế luôn vui vẻ, nhiệt tình, đặc biệt năng lực của đội ngũ y, bác sĩ không thua kém tuyến trên”.

Còn tại Trạm Y tế xã Vụ Bổn (Krông Pắc), hằng ngày số lượt người dân đến khám bệnh rất đông, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Theo nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương, cán bộ Trạm Y tế xã Vụ Bổn cho biết, từ khi phòng tư vấn đi vào hoạt động, một tháng trạm tiếp nhận khám từ 200- 250 lượt bệnh nhân, tăng 30% số lượt người so với thời điểm trước khi triển khai Dự án. Ngoài những yêu cầu kế hoạch hóa gia đình như: đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai…, nhiều chị còn đến khám để phòng ngừa các bệnh về: ung thư vú, ung thư cổ tử cung... - những dịch vụ mà trước đây họ thường đến thực hiện ở bệnh viện tuyến trên hay các cơ sở y tế tư nhân.  

Đối tượng của mô hình dịch vụ “Tình chị em” là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 49 tuổi. Tham gia thực hiện Dự án, các trạm y tế được trang bị về cơ sở vật chất; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ. Các đối tượng hưởng lợi được cung cấp các dịch vụ, thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng, được đón tiếp ân cần và được cung cấp các thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình một cách kín đáo từ người cung cấp dịch vụ tận tâm, tư vấn nhiệt tình.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.