Multimedia Đọc Báo in

Trạm Y tế xã Đắk Phơi: Nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe

10:11, 08/12/2018

Đắk Phơi là một trong những xã nghèo nhất huyện Lắk với dân số 1.342 hộ, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 93%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 61%.

Xã có 11 thôn, buôn với địa hình phức tạp; một số thôn, buôn rất khó tiếp cận do đường sá khó khăn; trình độ dân trí còn thấp, mật độ dân cư thưa thớt, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu… Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, trong những năm qua, cán bộ, y bác sĩ Trạm Y tế xã Đắk Phơi đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần giảm tải số bệnh nhân chuyển tuyến.

Trạm Y tế xã Đắk Phơi hiện có 8 nhân lực, trong đó có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 dược sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên. Để thay đổi nhận thức của người dân về chăm sóc khỏe cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, Trạm đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện bố trí thêm nguồn nhân lực, tu sửa, hoàn chỉnh dần hệ thống phòng ốc làm việc, máy móc, trang thiết bị y tế như: máy siêu âm, máy đo điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học… Hằng năm xã đều đưa các chỉ tiêu thực hiện chương trình y tế Quốc gia vào Nghị quyết HĐND và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND xã.

Trạm Y tế xã Đắk Phơi tổ chức thảo luận nhóm về chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Trạm Y tế xã Đắk Phơi tổ chức thảo luận nhóm về chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Trạm Y tế xã cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động theo tuần, tháng, quý, năm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, viên chức bảo đảm đúng quy chế, phần việc, đúng khả năng và trình độ chuyên môn; xây dựng đội ngũ cộng tác viên y tế tại 11 thôn, buôn nhằm triển khai nhiệm vụ truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe và vệ sinh phòng bệnh. Đối với những buôn có địa hình phức tạp, khó tiếp cận, lại có đông thành phần dân tộc thiểu số như buôn Đắk Hiu, khi triển khai các chiến dịch khám sức khỏe, tiêm chủng hoặc các hoạt động chăm sóc sức khỏe khác, Trạm phải tổ chức nhiều ngày, đến từng ngõ, từng xóm tuyên truyền cho bà con về lợi ích của việc tiêm chủng, ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, vận động hướng dẫn các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn…

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ trạm, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện. Như chị H’Thiên Niê (ở buôn Liêng Ông) bây giờ mỗi khi có bệnh là ra Trạm Y tế xã để khám, không còn mời thầy về cúng, đuổi tà ma như trước nữa. Hay chị H’Mnay Byă (cũng ở buôn Liêng Ông) thời gian trước thường phải lên Bệnh viện Đa khoa huyện để siêu âm, khám bệnh vừa đi lại khó khăn vừa tốn kém chi phí; thời gian gần đây, nhờ Trạm Y tế xã được trang bị nhiều máy móc hiện đại, chị và người thân trong gia đình thường đến trạm để sử dụng các dịch vụ y tế.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế xã Đắk Phơi khám và cấp phát thuốc cho 700 - 750 lượt người. Nhờ mạng lưới y tế thôn, buôn hoạt động nền nếp nên số trẻ em trong diện tiêm chủng được tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 90%. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được quan tâm: 100% phụ nữ có thai được chăm sóc và được khám thai định kỳ; số lượt phụ nữ khám phụ khoa định kỳ đạt trên 80%.

Trạm Y tế xã đã chủ động giám sát các dịch bệnh tại địa phương và triển khai các biện pháp phòng chống, dập dịch kịp thời; triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Là địa bàn có dịch sốt rét lưu hành nên cán bộ y tế luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân các biện pháp phòng bệnh, cấp thuốc tự điều trị sốt rét cho những người hay đi rừng. Nhờ vậy nên nhiều năm gần đây, trên địa bàn xã không có dịch lớn xảy ra. Bác sĩ CKI Phạm Thế Thắng, Trưởng Trạm Y tế xã Đắk Phơi vui vẻ cho biết: “Định kỳ cứ đến ngày 11, 12 hằng tháng, người dân đều đưa con đến trạm tập trung đông đủ để tiêm ngừa phòng bệnh; khi ốm đau, người dân đã biết đến trạm khám và lấy thuốc. Đặc biệt, mặc dù đã có thông tuyến khám chữa bệnh nhưng người dân hầu như không chuyển tuyến, mà đều yên tâm khám chữa bệnh tại trạm y tế”.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.