Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp đã biết tự "cứu" mình

17:10, 10/12/2014
Trong một lần trò chuyện với phóng viên, một chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân đã chia sẻ, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế như hiện nay, các DN muốn duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì phải tìm cách… tự “cứu” mình trước khi nghĩ đến sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách.

Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, từ đầu năm đến nay, có gần 900 DN giải thể, ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn và “cứu” DN, địa phương đã có những hỗ trợ trong việc giảm chi phí thuê đất, các chính sách thuế, tín dụng, bảo hiểm xã hội… Bên cạnh đó, nhiều DN không trông chờ vào các hỗ trợ này mà năng động, tự tìm các giải pháp vượt khó. Trước hết, các DN đã nhìn thấy yếu kém của mình để tổ chức lại khâu sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm, thị trường và bộ máy quản trị. Từ đó, DN giảm được chi phí không cần thiết, hạn chế tồn kho nguyên liệu và sản phẩm; đồng thời, tìm ra thị trường mới và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Chứng minh cho việc “tự cứu mình” của các DN có thể nhận thấy từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, cơ sở sản xuất ngành cơ khí.

Ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Dak Lak tự tin khẳng định, hầu hết các đơn vị sản xuất cơ khí, chế tạo đều “sống khỏe”, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt, hầu như không có đơn vị nào phải vay ngân hàng với số lượng lớn. Nguyên nhân lớn nhất của điều này là các DN, cơ sở sản xuất đã tìm ra được hướng đi mới một cách hiệu quả. Theo đó, những DN lớn thì hạn chế sản xuất các loại sản phẩm, dây chuyền thiết bị giá thành cao và chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ, giá thành rẻ phục vụ người nông dân và tìm thị trường mới ở nước ngoài. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ thì tìm cách cải tiến kỹ thuật, mẫu mã và chủ động tìm khách hàng ở các địa phương khác.  Ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Hòa chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt các loại máy chế biến cà phê và các sản phẩm phục vụ cho nông hộ chia sẻ, trong điều kiện thị trường tiêu thụ khó khăn, công ty đã chú trọng sản xuất máy chế biến cà phê ướt quy mô cụm nông hộ, nhờ đó doanh thu tăng lên đáng kể. Theo lý giải của đơn vị này, giá toàn bộ hệ thống máy từ 20 – 30 triệu đồng, một hộ nông dân khó có điều kiện mua, nhưng nhờ máy này có ưu điểm là có thể cơ động, chế biến cà phê ngay ở vườn với chất lượng cao, nên 3 – 4 hộ có thể liên kết lại để mua thì chi phí nhẹ hơn nhiều. Đây là cách làm hay, thể hiện sự nhạy bén trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà các DN khác nên tham khảo để áp dụng.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7000 DN, trong đó, chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, khả năng thích ứng với khó khăn của nền kinh tế có phần hạn chế, dẫn đến nhiều DN “chết” hoặc lâm vào tình trạng “ngắc ngoải”. Bởi vậy, những DN chủ động tìm giải pháp vượt khó trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước là một dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc