Multimedia Đọc Báo in

Sông lở vì… “cát tặc”!

09:54, 27/05/2013

Sông Krông Ana, một trong hai nhánh chính đầu nguồn sông Sêrêpôk - con sông gắn bó mật thiết với đời sống cư dân hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông hàng trăm năm qua. Nhưng hiện nay, việc khai thác cát tràn lan ở hai con sông này đã làm sạt lở cả đôi bờ sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân quanh vùng.

Sông lở cả đôi bờ...

Sông Krông Ana có chiều dài hơn 200km, bắt nguồn từ dãy Cư Yang Sin, chảy qua các huyện Krông Bông, Cư Kuin và Lak, Krông Ana đến thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) thì hợp lưu với sông Krông Nô thành sông Sêrêpôk. Ngồi lên chiếc ca nô của người dân địa phương, chúng tôi đi dọc đoạn sông Krông Ana chảy qua địa phận xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) và Yang Reh (huyện Krông Bông). Dễ dàng nhận thấy có hàng chục điểm sạt lở hai bên bờ sông, trong khi đó, hàng chục chiếc tàu hút cát đang ngang nhiên thò “vòi rồng” vào bờ sông hút cát. Khi phóng viên đưa máy ảnh chụp, những chiếc tàu này nhanh chóng thu “vòi rồng” và chạy ra giữa dòng sông. Ông Nguyễn Xuân Quang, cán bộ địa chính - xây dựng UBND xã Hòa Hiệp cho biết: “Theo quy định thì các doanh nghiệp chỉ được khai thác cát dưới lòng sông chứ không được đưa “vòi rồng” vào bờ sông hút cát. Khi xã đi kiểm tra thì họ chỉ hút cát ở lòng sông, nhưng khi đoàn kiểm tra rời đi thì họ lại ngang nhiên cho vòi rồng vào bờ sông hút cát. Trong khi đó, có nhiều hộ dân lại bán đất cho các chủ tàu khai thác cát bên bờ sông không thông qua xã. Bởi thế, xã gặp nhiều khó khăn khi đối phó với những tàu hút cát lậu…”.

Nhiều đoạn sông Krông Na bị sạt lở nghiêm trọng do “cát tặc”.
Nhiều đoạn sông Krông Na bị sạt lở nghiêm trọng do “cát tặc”.

Chiếc ca nô xuôi theo dòng sông, chúng tôi lại chứng kiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Tại đoạn sông chảy qua thôn 4 (xã Yang Reh), “cát tặc” đã làm sụp lở bờ sông vào sâu hơn 10m với diện tích khoảng 300m2. Còn phía bờ sông xã Hòa Hiệp, chúng tôi đếm có khoảng 10 điểm sạt lở nghiêm trọng không kém. Trong khi đó, có khoảng 4 giàn khoan tham gia khai thác cát trên sông khi tỉnh đã có công văn nghiêm cấm các giàn khoan này hút cát. Dưới chân cầu Giang Sơn (địa giới hai xã Hòa Hiệp và Yang Reh), có tới hơn 30 chiếc tàu hút cát của đang đua nhau đưa cát về đây.

Chưa có biện pháp xử lý triệt để

Trên sông Krông Ana hiện có 2 khu vực được tỉnh cấp phép khai thác cát là khu vực cầu chữ V (ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) và khu vực cầu Giang Sơn (đoạn chảy qua xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin và xã Yang Reh, huyện Krông Bông). Vào năm 2008, tỉnh cấp phép cho Công ty CP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên khai thác dọc sông Krông Ana với chiều dài 23km tại khu vực cầu chữ V. Sau khi được cấp phép, Công ty chỉ đưa 2 tàu vào khai thác, số tàu còn lại (khoảng 10 chiếc) là của Hợp tác xã Đoàn Kết hợp tác khai thác với Công ty. Nhưng sau đó, Hợp tác xã Đoàn Kết lại huy động thêm nhiều tàu tư nhân trong xã “nhảy vào” khai thác tràn lan tại đây làm bờ sông cũng bị sạt lở. Tại khu vực cầu Giang Sơn, tỉnh đã cấp phép khai thác cát cho Hợp tác xã Giang Sơn và Hợp tác xã Nam Sơn dọc sông Krông Ana 6km vào năm 2011. Thế nhưng, 2 hợp tác xã nói trên liên tục cho tàu khai thác vượt ra khỏi khu vực được cấp phép và cắm thẳng vòi hút cát vào bờ, làm sạt lở đất xuống sông.

Phía trên cầu Giang Sơn, tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Hưng Vũ khai thác 23km dọc sông Krông Ana. Ông Vũ Văn Luyến, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Vũ cho biết: “Trên đoạn sông tỉnh cấp phép cho chúng tôi, các tàu cát tư nhân địa phương luôn luôn khai thác trộm và cắm vòi thẳng vào bờ sông hút cát. Nếu bị Công ty phát hiện, họ lại bảo Công ty được cấp phép khai thác lòng sông thì cứ giữ lòng sông chứ họ khai thác trên bờ không liên quan gì đến Công ty. Vì thế, chúng tôi cũng đành bó tay!”. Còn ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản, Sở Tài nguyên – Môi trường cũng cho rằng rất khó xử lý việc khai thác cát tràn lan trên sông Krông Ana: “Muốn bắt được các tàu khai thác cát trộm, chúng tôi phải bắt được quả tang hoặc phải có bằng chứng bằng hình ảnh. Nhưng khi đoàn đến kiểm tra họ đã có người thông báo cho biết, nên tạm dừng; khi đoàn đi họ lại tiếp tục khai thác trộm. Nếu có bắt được quả tang, các tàu này liền chạy ra giữa sông và chúng tôi đành bó tay vì lúc này thuộc phạm vi xử lý của cảnh sát giao thông đường thủy…”. 

Tình trạng “cát tặc” lộng hành trên sông Krông Ana xảy ra đã nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Nếu để tình trạng này kéo dài, không những con sông Krông Ana sẽ bị sạt lở thêm mà đời sống người dân quanh vùng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Công Hoan


Ý kiến bạn đọc