Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh trong thời điểm giao mùa

06:00, 31/05/2015

Thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và lây lan rộng. Vậy, làm thế nào để dịch bệnh không bùng phát ở tỉnh ta, đó là nội dung cuộc trò chuyện giữa Báo Dak Lak với Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh PHẠM VĂN LÀO.

* Bác sĩ có thể khái quát đôi nét về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện tại?

Trong thời điểm giao mùa hiện nay, Dak Lak có một số bệnh cần được quan tâm, nhất là sốt xuất huyết. Hiện tại, số ca bệnh sốt xuất huyết ở tỉnh ta ghi nhận không nhiều, so với cùng kỳ năm trước thì bệnh giảm 55%. Mặc dù vậy, thời điểm chuyển sang mùa mưa thì sốt xuất huyết vẫn là bệnh đáng báo động và cần phải triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Mối quan tâm thứ 2 là bệnh tay chân miệng. Năm nay số ca mắc tay chân miệng cũng giảm khoảng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tay chân miệng cũng xác định là bệnh lưu hành chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà các biện pháp phòng chống cũng mang tính chất là phòng chống chung. 

* So với cùng kỳ năm trước, diễn biến của các dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có gì khác biệt không, thưa bác sĩ?

Cứ đến chu kỳ bắt đầu chuyển mùa thì diễn biến tình hình dịch bệnh lại có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên ở tỉnh ta, so với cùng kỳ năm trước thì năm nay tiến triển tốt hơn, số lượng bệnh nhân mắc bệnh giảm đi, trong đó có 2 bệnh giảm rõ rệt là sốt xuất huyết và tay chân miệng. Đặc biệt, năm trước một số loại bệnh có nguy cơ lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1 trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, nhưng năm nay chưa thấy xuất hiện.

* Để ngăn chặn các dịch bệnh phát triển và lây lan rộng trên địa bàn, ngành Y tế đã có những biện pháp phòng, chống như thế nào?

Ngay từ đầu năm chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống tất cả các loại bệnh, trong đó tập trung vào một số loại bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9. Với từng loại bệnh, cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết. Kế hoạch này đã được UBND tỉnh phê duyệt và ngành đang triển khai với hai biện pháp song song nhau. Thứ nhất là đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân, đến tận các thôn, xóm, khu phố. Thứ hai là tiến hành tập huấn các bước kỹ thuật, gồm: kỹ thuật phòng bệnh, giám sát, xử lý ổ bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra, trước mùa dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, đã tiến hành đi kiểm tra địa bàn theo ngẫu nhiên. Đặc biệt, trong cuối tháng 5 này, chúng tôi sẽ tổ chức chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết tại huyện M’Drak nhằm kêu gọi sự chung tay của các cấp chính quyền, người dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong phòng chống bệnh này.

* Theo bác sĩ, những khó khăn mà ngành Y tế đang phải đối mặt trong quá trình triển khai phòng, chống dịch bệnh là gì?

Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, mọi thứ đều cắt giảm thì ngân sách cấp cho y tế cũng giảm theo. So với những năm trước, năm nay ngân sách cấp cho y tế giảm khoảng 30%, vì thế một số hoạt động về phòng chống dịch bệnh cũng bị cắt giảm đi. Hơn nữa, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên người dân ở một số vùng, nhất là vùng sâu vùng xa cũng ít có điều kiện quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh. Khó khăn thứ hai là về nhân lực, hiện nay số cán bộ làm công tác y tế dự phòng vẫn đang thiếu, đặc biệt, cán bộ có trình độ chuyên sâu lại càng thiếu. Mặc dù những năm qua công tác đào tạo nhân lực vẫn được triển khai với nhiều hình thức, nhưng so với nhu cầu thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Một khó khăn không nhỏ nữa đó là tỉnh ta hiện có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng nghĩa là có nhiều ngôn ngữ. Trong khi đó, cán bộ y tế thì chưa thể nói được đủ các thứ tiếng nên công tác truyền thông của y tế cơ sở tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Hiện tại, để khắc phục vấn đề này, ngoài các băng đĩa tuyên truyền được xây dựng bằng tiếng Kinh, tiếng Ê đê, chúng tôi cũng đang sản xuất các chương trình truyền thông bằng tiếng Mông và tiếng Dao. 

* Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh?

Như chúng ta đã biết, mùa mưa bước sang sẽ có rất nhiều bệnh dịch phát sinh theo. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bà con chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng với các khẩu hiệu “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết", “Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”. Bên cạnh đó, một bệnh đang được người dân rất quan tâm và bản thân ngành Y tế cũng đang tập trung về vấn đề này đó là bệnh viêm não Nhật Bản B. Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản B đã xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước. Còn ở tỉnh ta, tuy chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cũng không vì thế mà lơ là mất cảnh giác, người dân chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản B cho trẻ bằng tiêm vắc xin phòng bệnh. Những gia đình nào có trẻ chưa được tiêm phòng viêm não Nhật Bản B gồm 3 mũi cơ bản thì đề nghị bà con đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để tiêm đúng độ tuổi, đúng liều lượng, đúng thời gian. Kết hợp với đó là thực hiện ngủ màn để tránh muỗi đốt và quan trọng nhất là thực hiện tốt vệ sinh chung, bởi đây là “chìa khóa” để phòng tất cả các loại bệnh truyền nhiễm.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.