Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm tính khách quan, chặt chẽ trong hoạt động bán đấu giá tài sản

15:11, 07/10/2017

Quản lý Nhà nước về lĩnh vực bán đấu giá tài sản là vấn đề đang được quan tâm và cần được tăng cường trong giai đoạn hiện nay. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn khái niệm cũng như những quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN MINH THUẬN, Giám đốc Sở Tư pháp.

      Giám đốc Sở Tư  pháp Nguyễn Minh Thuận.    Ảnh: H. Gia
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Minh Thuận. Ảnh: H. Gia

- Xin ông cho biết thực trạng về tổ chức và hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản ở tỉnh ta hiện nay?

* Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 tổ chức bán đấu giá tài sản; trong đó có Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp, 7 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và 2 chi nhánh của tổ chức bán đấu giá tài sản (ngoài tỉnh), với 24 đấu giá viên. Hoạt động bán đấu giá tài sản trong những năm qua đã phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng của các tổ chức bán đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên; trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản bảo đảm chặt chẽ, khách quan hơn, tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đấu giá từng bước được nâng lên, đã ngăn ngừa tiêu cực, tránh thất thoát tài sản, nhất là tài sản công; góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương, đặc biệt là đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản thi hành án... Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đã thực hiện 675 cuộc bán đấu giá thành, giá bán tài sản khoảng 661 tỷ đồng; đặc biệt trong tháng 9-2017, Trung tâm đã thực hiện 1 cuộc đấu giá từ giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng, đấu giá thành hơn 200 tỷ đồng.

- Thưa ông, đối với tài sản bán đấu giá, để thực hiện việc thi hành án, pháp luật quy định như thế nào khi lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản?

* Theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền thỏa thuận về lựa chọn tổ chức đấu giá trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì chấp hành viên lựa chọn tổ chức đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải thực hiện theo Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản.

- Một vấn đề nữa chúng tôi muốn trao đổi là có trường hợp hai vợ chồng có nhu cầu tham gia đấu giá một lô đất ở huyện A (đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất), và nộp 2 bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, 1 bộ đứng tên chồng và 1 bộ đứng tên vợ. Sau khi kiểm tra, cán bộ Tổ chức đấu giá tài sản chỉ chấp nhận một trong hai hồ sơ, làm như vậy có đúng quy định không?

* Tại Khoản 2 Điều 101 Bộ luật Dân sự quy định “Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”.

Tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai, quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” và tại Khoản 5 Điều 7 Luật Đất đai, quy định người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất là “Chủ hộ gia đình đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình”. Mặt khác, trong Luật Đấu giá tài sản tại Khoản 2 Điều 6 về nguyên tắc đấu giá tài sản, quy định “Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan”.

Do đó, hộ gia đình là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật đất đai và chủ hộ là người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quan hệ này, tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, thì tình trạng hôn nhân của vợ chồng đang tồn tại (hộ gia đình), nên việc hai vợ chồng cùng đăng ký tham gia đấu giá một lô đất là không đảm bảo tính đại diện của chủ hộ theo pháp luật về đất đai và cũng không đảm bảo tính độc lập, minh bạch, khách quan theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Như vậy, việc cán bộ Tổ chức đấu giá tài sản chỉ chấp nhận một trong hai hồ sơ tham gia đấu giá cùng một lô đất của vợ chồng (hộ gia đình) là đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

* Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.