Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao Mai 2015 khu vực miền Trung và Tây Nguyên

"Bữa đại tiệc" âm nhạc của khán giả Dak Lak

08:55, 22/06/2015

Từ ngày 16 đến 20-6, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Dak Lak đã diễn ra Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao Mai 2015 khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao Mai được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm duy trì phong trào ca hát, qua đó phát hiện những giọng hát xuất sắc ở 3 phong cách âm nhạc hiện đang phổ biến ở Việt Nam là thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Cũng như những năm trước, Liên hoan năm nay được tổ chức tại 4 khu vực là miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, miền Nam và khu vực châu Âu.

Những ngày qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, Liên hoan đã thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo người yêu âm nhạc. Điều này được thể hiện ở việc khán phòng các đêm công diễn lúc nào cũng chật kín người, đặc biệt là đêm chung kết, do không còn chỗ ngồi, nhiều khán giả phải đứng ở rìa hai bên để theo dõi một cách say mê. Đây là lần đầu tiên khán giả Dak Lak được thưởng thức “bữa đại tiệc” âm nhạc mang tầm cỡ quốc gia đã trở nên quen thuộc  với khán giả truyền hình, những người yêu âm nhạc trong cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dak Lak Y Dhăm Ênuôl và Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Giải Sao Mai toàn quốc 2015  Phạm Việt Tiến trao hoa và chứng nhận cho các thí sinh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dak Lak Y Dhăm Ênuôl và Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Giải Sao Mai toàn quốc 2015 Phạm Việt Tiến trao hoa và chứng nhận cho các thí sinh.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng (ở phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) – một khán giả liên tục đến thưởng thức các đêm diễn của Giải Sao Mai 2015 khu vực miền Trung và Tây Nguyên vui vẻ nói: “Trong những ngày qua khán giả của TP. Buôn Ma Thuột, Dak Lak được chứng kiến một sự kiện lớn của âm nhạc là Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao Mai 2015 khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cũng là một trong số những người quan tâm đến sự kiện này, tôi đã đến tham dự tất cả các buổi thi. Các thí sinh đã chuẩn bị, luyện tập rất công phu, đem đến cho cuộc thi những giọng hát rất ấn tượng, có chất lượng. Có thể nói, đây là một cơ hội hiếm hoi, rất tuyệt vời cho mỗi người yêu âm nhạc đến xem; là dịp để khán giả TP. Buôn Ma Thuột, Dak Lak được thưởng thức trực tiếp một cuộc thi âm nhạc có chất lượng, cũng như có cơ hội để nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Và hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều cuộc thi có chất lượng như vậy diễn ra trên địa bàn tỉnh ta…”.

Sau 3 đêm thi vòng loại, vượt qua 39 thí sinh (1 thí sinh bỏ dự thi), 16 thí sinh được lựa chọn vào đêm chung kết đã thể hiện tài năng, niềm đam mê âm nhạc với sự cống hiến hết mình để mang đến cho khán giả Dak Lak, khán giả xem truyền hình – những người yêu âm nhạc trong cả nước một “bữa tiệc âm nhạc” hấp dẫn. 16 thí sinh đêm chung kết là 16 gam màu âm nhạc khác nhau với một đêm trình diễn đầy thăng hoa, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Ở dòng nhạc dân gian, những giai điệu lắng sâu tâm hồn, chuyển tải tinh hoa người Việt bao đời đã được 7 thí sinh thể hiện một cách tinh tế. Nếu như Trần Hữu Tuấn (Thanh Hóa) “chỉn chu” trong từng quãng, từng lời và cả xúc cảm khi hát bài “Giã bạn đêm trăng”, thì Trần Thị Bạch Trà (Huế) đắm đuối với “Bến đợi”, Dương Linh Tuyết (Hà Tĩnh) mênh mang với “Xa khơi”, Trần Thị Thùy Dung (Nghệ An) đầy ma mị, phiêu linh với “Đêm ả đào”. Đậu Anh Tài (Nghệ An) mang đến một ca khúc mang âm hưởng dân ca Bắc Trung bộ “Tình làng quê”, thì Trần Bá Duy (Bình Định) lại nỗ lực tìm tòi, thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân gian Bắc bộ với ca khúc “Quê nhà”.

Dòng nhạc thính phòng – một dòng nhạc thu hút sự chú ý của nhiều người yêu âm nhạc, đặc biệt là giới chuyên môn vì đòi hỏi kỹ thuật cao và giọng hát đầy nội lực,. Với “độ khó” của dòng nhạc này, 3 thí sinh được lựa chọn vào đêm chung kết đã chinh phục được khán giả qua các sáng tác đỉnh cao: Trần Thị Bích Ngọc (Quảng Trị) với ca khúc “Tình ca suối hát”; Bùi Thị Cẩm Huyền (Nghệ An) với ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay”; Hoàng Thị Lan Anh (Quảng Bình) thể hiện ca khúc “Chim Ponkle”.

Dòng nhạc nhẹ thu hút đông thí sinh nhất Vòng chung kết khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nên mỗi thí sinh dự thi đều có sự thể hiện mới lạ trong các ca khúc mình thể hiện. Nếu  Trần Duy Đạt (Đà Nẵng) đắm đuối với “Nắng chờ”, thì Hoàng Thị Thủy (Thanh Hóa) lại khát bỏng trong ca khúc “Cỏ và mưa”, Hoàng Anh Tuấn (Gia Lai) miên man với ca khúc “Góc tối”, Huỳnh Vũ Nhân (Quảng Nam) “làm mới” ca khúc “Chưa bao giờ”. Với giọng hát lạ, khỏe khoắn, Nguyễn Thị Liên (Thanh Hóa) cháy hết mình với “Khúc hát người đàn bà Mông”; Y Jalin Ayun (Dak Lak) thể hiện xuất sắc một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường “Xôn xang mênh mang cao nguyên Dak Lak”, bằng giọng hát đầy phóng khoáng, hoang dại mang âm hưởng của vùng đất cao nguyên huyền thoại.

Với phong cách trình diễn tự tin, hấp dẫn, nhiều cảm xúc, có sự đầu tư về âm thanh và hình ảnh, đêm chung kết đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khán giả theo dõi trực tiếp và qua sóng truyền hình. Theo đánh giá của Ban giám khảo, Giải Sao Mai khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm nay có nhiều giọng ca có chất giọng tốt, kỹ thuật thanh nhạc cao và được đào tạo bài bản ở các trường văn hóa, nghệ thuật trong nước. Nhạc sĩ Tuấn Phương, Trưởng Ban giám khảo đánh giá về cuộc thi: “Qua gần 1 tuần làm việc, từ vòng loại đến tập luyện và đặc biệt là đêm chung kết, có thể nói Giải Sao Mai 2015 khu vực miền Trung – Tây Nguyên có rất nhiều màu sắc. Thí sinh từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt có những thí sinh từ Tây Bắc về “đầu quân” cho miền Trung đã làm cho cuộc thi phong phú về mặt sắc tộc cũng như về mặt văn hóa. Đặc biệt là các thí sinh đại diện cho 3 dòng nhạc đều rất xuất sắc, đặc trưng cho chính dòng nhạc đó. Qua cuộc thi này, một lần nữa có thể khẳng định: Giải Sao Mai là một cuộc thi âm nhạc chính thống, đã góp phần phát hiện rất nhiều những gương mặt, những giọng ca mới, đẹp cho nền âm nhạc nước nhà…”.

Bằng sự công tâm, làm việc nghiêm túc, khách quan, Ban giám khảo đã lựa chọn 3 thí sinh có số điểm cao nhất của khu vực tham gia Vòng chung kết toàn quốc. Cụ thể, ở dòng nhạc thính phòng: thí sinh Trần Thị Bích Ngọc (Quảng Trị); dòng nhạc nhẹ: thí sinh Y Jalin Ayun (Dak Lak); dòng nhạc dân gian: thí sinh Trần Hữu Tuấn (Thanh Hóa).

Cùng với 3 thí sinh có số điểm cao nhất, các thí sinh có điểm cao còn lại của khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ tiếp tục được Ban tổ chức cân nhắc, so sánh giữa các khu vực để lựa chọn thêm các thí sinh xuất sắc, tạo cơ hội cho các thí sinh thể hiện tài năng ở Vòng chung kết toàn quốc sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 8 tới.

Lan Hoàng


Ý kiến bạn đọc