Multimedia Đọc Báo in

Mái nhà tranh dưới lũy tre xanh

12:22, 25/06/2017

Bạn trẻ ngày nay vẫn ngân nga ca khúc "Ôi quê tôi" của nhạc sĩ Lê Minh Sơn với những dòng ca từ gợi nhớ về một miền quê dằng dặc những kỷ niệm nhớ thương: "Ôi quê tôi, vẫn còn mái nhà/ liêu xiêu liêu xiêu, thơm mùi khói chiều/ trong giấc mơ của tôi cánh diều no gió".

Ấy nhưng đấy chỉ là những hình ảnh quê hương của quá khứ; bởi ngày nay không còn, hoặc chỉ còn rất ít những "Mái nhà liêu xiêu thơm mùi khói chiều...". Cuộc sống giờ đã khác nhiều so với những năm chín mươi của thế kỷ trước.

 Cuộc sống của người dân Việt, thời nào cũng vậy: căn bếp chính là nơi lưu giữ sự ấm cúng của cả một gia đình; ở đấy có ngọn lửa ấm nồng, có mùi nỏ của rơm rạ với nồi cơm thơm ngày mùa, nồi cá rô kho dưa nồng nàn tháng đông, nồi canh cua rau đay dịu ngọt ngày hè; và trên hết là làn khói bếp quẩn trên mái rạ mỗi sớm mỗi chiều như sự bình yên muôn thuở của làng quê. Người đi xa, mỗi bận có dịp về quê, nhìn thấy lũy tre làng sau chiếc cổng làng, nhìn thấy làn khói lam chiều quẩn trên mái rạ, tức là đã về gần lắm với ngôi nhà thân yêu, với mái bếp thân thương...

 Lũy tre xanh là hình ảnh gắn bó thân thuộc của làng quê. Tre gắn liền với làng; tre gắn liền với đời sống dân dã của người nông dân. Với tuổi thơ của làng, trong lũy tre xanh ấy có biết bao điều kỳ bí mà chỉ có trẻ thơ mới nhận ra: Kìa, trên ngọn tre có một tổ chim mới làm nho nhỏ xinh xinh, hứa hẹn có những chú chim non để bọn trẻ hồi hộp chờ đợi đến ngày chim đủ lông đủ cánh, trèo cây bắt xuống về nuôi. Kia nữa: Một con cò lửa mới ra ràng đang líu tíu chuyền cành; hoặc là một con rắn đáng sợ quấn mình trên cành xanh... Ngày hè, ve kêu ran bờ tre; lũ trẻ mũi dãi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại với chiếc que dài, đầu que quấn đầy nhựa mít đi bắt ve bỏ vào hộp ống bơ. Đi qua một bụi tre, cảm nhận được mùi thơm thoang thoảng bay ra, bọn trẻ lách gốc tre chui vào, y như rằng có một chùm hoa dẻ kín đáo sau chùm lá. Ngắt hoa dẻ bỏ vào túi áo, hương cứ thơm mãi, khiến cô chị gái đang có người yêu phải nài nỉ xin đổi bằng một nắm ngô rang hoặc một củ khoai lang bột trắng xóa... để tối ấy cài trên mái tóc đi tâm sự với bạn trai. Họ nói gì với nhau chẳng biết, chỉ thấy sáng hôm sau chỗ họ đứng đêm qua dưới rặng tre làng là cơ man những lá tre bị vặt và vết chân di di kín trên mặt đất. Bụi tre cũng là nơi lưu giữ biết bao thứ đồ thừa của thải, nhưng với bọn trẻ đấy lại chính là "kho đồ chơi" vô tận không phải mất tiền mua. Muốn chơi ô ăn quan, chỉ việc khoét lỗ ô ngay trên vệ đường làng rồi chui vào gốc tre vốc ra từng vốc vỏ ốc làm quân... là đã có được cuộc "tỷ thí " giữa hai phe với những trận cãi vã tưởng không phân thắng, bại. Với trò chơi đánh khăng, quân khăng không gì tốt bằng tay cây tre đực: chắc và nặng tay, mỗi lần vụt "gà" xa đến vài chục mét, đo mỏi cả tay... Chơi chán những trò chơi có "cảm giác mạnh", bọn trẻ chuyển sang trò "quay tay tre non". Chui vào bụi tre tìm những tay tre mới được hai, ba lá còn non, chúng quay tròn sao cho một đốt tre mềm lại. Trò chơi này đòi hỏi phải khéo tay, bởi nếu nóng vội đoạn tay tre dễ bị gãy đứt lìa ngay từ những vòng quay đầu. Với trò này, bọn con trai bao giờ cũng thua lũ con gái bởi cái tính bộp chộp, nóng vội của những chàng... đực rựa.

 Trở lại gian nhà bếp - nơi giữ lửa của cả gia đình. Bếp ngày xưa chủ yếu được làm bằng vách đất hoặc tường đắp đất, mái lợp rạ. Muốn làm vách đất, trước tiên người ta chẻ tre thành những thanh mỏng, gọi là "dứng". Dứng được ken thanh dọc thanh ngang tạo nên những ô vuông nhỏ khoảng cách chừng mười phân, buộc bằng lạt tre. Ở bốn đầu dứng là bốn cây tre già để kìm chắc, khi trát đất vách không bị đổ. Vật trát vào dứng là đất trộn rơm băm và vôi. Trong làng, nhà nào có điều kiện kinh tế hơn một chút thì đắp tường bằng đất. Trước khi đắp tường, người ta dựng hai cánh cửa hai bên, có chiều rộng khoảng bốn mươi phân, hai đầu chắn bằng hai thanh gỗ khác, tạo thành một chiếc hộp hình chữ nhật. Đất gánh về được đổ vào chiếc hộp ấy rồi dùng chày nện cho chặt lại. Công làm nhà nói chung và dựng bếp nói riêng đều được bà con làng xóm đến giúp theo hình thức "đổi công", nghĩa là nay bà con giúp làm nhà mình thì mai kia chủ nhà lại đến giúp làm của người. Tường đất dày đến bốn, năm mươi phân, mái lợp rạ rất ấm về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Phía trên ông đồ rau (tức ba cục đất nặn bằng đất dẻo lấy ở bờ sông, dùng để đặt nồi nấu) thường có chiếc gác bếp bằng tre để gác trăm thứ bà giằn trên đó, từ mớ lạt, chiếc gàu sòng, chiếc dậm, chiếc nơm đến cặp rổ, rá đan dở... nhằm giúp cho các vật dụng ấy "ắt bồ hóng", không bị mối mọt.

 Vật liệu để nấu bếp là rạ, rơm phơi nỏ, đánh thành từng đống sau mùa gặt. Cơm đun rạ, khi cạn nước được bắt xuống vùi trong tro nóng rồi đốt một vặn rạ khác phía trên. Cơm nấu bằng nồi đất, cá rô kho bằng niêu đất đun bằng rạ thơm ngon như đặc sản chỉ làng quê ngày xưa mới có. Ngày nay thức ăn nấu bằng bếp ga với xoong nồi bằng kim loại, tiện dụng nhiều nhưng độ thơm ngon theo đó cũng giảm nhiều...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.