Multimedia Đọc Báo in

Hồn Việt giữa trời Tây

17:43, 01/04/2016
Trong chuyến du lịch Pháp đầu xuân Bính Thân vừa qua, tôi may mắn được tham dự một ngày hội Tết Việt của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp vùng Paris.
 
abccccccccc
Hợp ca Quê hương với tiết mục "Tổ quốc bên bờ sóng"

Nơi tổ chức ngày hội là Pavillon Baltard – công trình kiến trúc lịch sử và văn hóa nổi tiếng của Pháp nằm ở ngoại ô Paris. Theo thông báo, 3 giờ chiều ngày 13-2 (nhằm mùng 6 Tết) sẽ chính thức khai hội. Chúng tôi háo hức đến sớm trước khoảng một tiếng. Khi mới bước vào sân, đã thấy một nhóm thanh niên người Việt đang loay hoay với một cây tre nhỏ còn đầy lá để làm cây nêu. Hơi bất ngờ là cả nhóm đều nói … tiếng Pháp! Và khi vào sảnh để mua vé (vé ủng hộ chi phí tổ chức), ở các bàn vé có cả “Tây” và “ta”, và cũng đều nói bằng tiếng Pháp. Mua vé xong chúng tôi vào bên trong hội trường. Mọi thứ còn ngổn ngang. Trên sân khấu các nhóm nhạc đang tập dượt. Mọi người tất bật đi lại dọn dẹp, nấu nướng. Người đến dự hội đông dần. Những ông già, bà già người Việt ồ lên chào nhau vì lâu ngày mới gặp. Và kiểu chào của họ cũng rất đặc biệt “Tây”: ôm lưng nhau, má áp má rồi đổi qua má kia (kể cả các ông già chào nhau cũng vậy) chứ không bắt tay lắc lắc như bên ta.

abcddđ
Một số hình ảnh trong Hoạt cảnh truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ...

 

avbvvvv
 
aaaaaaaaaaaaaaa
Tốp ca nam Hợp ca Quê hương với tiết mục "Lướt sóng ra khơi"

Tôi tranh thủ dạo một vòng quanh hội trường. Sân khấu và khán phòng trang trí đơn giản bằng các tấm thổ cẩm nhưng thể hiện đậm nét “hồn Việt”. Dọc các bờ tường là những quầy ẩm thực Tết với các món ăn truyền thống như bánh chưng, phở, bún bò, bún chả, bánh cuốn, nem rán, nộm… Có bàn cờ tướng, một vài quầy đồ lưu niệm Việt, sách báo, trong đó có nhiều tờ báo Tết Bính Thân của trung ương, ngành, TP. Hồ Chí Minh gửi sang. Sôi nổi nhất là khu nhảy sạp, nhiều cô cậu dắt tay nhau lóng ngóng nhảy mà cứ sợ bị sào dập vào chân làm nhiều người thích thú vỗ tay cổ vũ. Gặp một người đàn ông Việt ngoài sáu mươi tuổi cầm máy ảnh đi lại chụp ảnh liên tục, tôi đoán là người của Ban tổ chức nên bắt chuyện làm quen. Ông tên là Nguyễn Thanh Tòng, Ban Hướng về Việt Nam của Hội người Việt Nam tại Pháp. Khi được biết tôi vừa ở Đắk Lắk sang, ông “à” lên rồi nói, ông và bà bác sĩ Thérese Nguyễn Văn Ký, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp đã từng đến Đắk Lắk vì Hội có một số dự án ở Ea Súp, Krông Búk (trao tặng học bổng cho học sinh nghèo, tài trợ xây trường mẫu giáo…); sắp tới ông sẽ về Việt Nam vì Hội còn có mấy dự án ở một số tỉnh ở miền Trung, Tây Bắc... Ông cho biết: Hội Người Việt Nam tại Pháp có lịch sử 95 năm, lâu nhất so với các hội đoàn người Việt Nam ở hải ngoại, bắt đầu từ Nhóm người An Nam yêu nước mà linh hồn là Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ. Hội có tờ tạp chí “Đoàn Kết” – tiền thân là tờ Le Paria do Bác Hồ sáng lập. Hằng năm Hội Người Việt Nam tại Pháp đều tổ chức ngày hội Tết Việt cho cộng đồng người Việt tại vùng Paris và lân cận; sau đó đến các chi hội ở các thành phố khác. Hội có nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở Pháp... Đặc biệt năm nay Hội được sự phối hợp, hỗ trợ kinh phí của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp (trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nên chắc chắn ngày hội sẽ thành công hơn...

Ông Nguyễn Thanh Tòng (bìa trái), Ban Hướng về Việt Nam và bác sỹ Thérese, nguyên  Chủ tịch  Hội người  Việt Nam  tại Pháp (thứ 3, trái qua) người quyên tặng 15.000 euro  xây  điểm trường  mẫu giáo  ở huyện  Krông Búk.
Ông Nguyễn Thanh Tòng (bìa trái), Ban Hướng về Việt Nam và bác sỹ Thérese, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp (thứ 3, trái qua) - người quyên tặng 15.000 euro xây điểm trường mẫu giáo ở huyện Krông Búk và các thành viên viên Ban tổ chức ngày hội.

Màn biểu diễn múa lân tưng bừng đã mở đầu chương trình ngày hội Tết Việt. Theo lời giới thiệu của MC (gồm 1 nam, 1 nữ, cùng nói tiếng Việt và tiếng Pháp) về dự ngày hội có Đại sứ Việt Nam tại Pháp; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO; đại diện các Đại sứ quán Lào, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia và đại diện chính quyền sở tại - bà Thị trưởng quận 8 Paris, cùng với khoảng 1.500 kiều bào, đại diện du học sinh và nhiều bạn bè Pháp... Đọc diễn văn khai mạc ngày hội, ông Ngô Kim Hùng, Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp nêu rõ, chủ đề Tết Việt năm nay - “Xuân trên bản làng” - là chủ đề có tính biểu tượng, đề cao tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam trên khắp các vùng miền đất nước, từ vùng núi cao tới biển đảo xa xôi. Để mỗi gia đình Việt Nam được sum họp và đón Tết trong hòa bình, hàng nghìn chiến sĩ vẫn đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, ngày đêm canh giữ biển trời, bảo vệ Tổ quốc. Ở nơi biên cương đảo xa, mùa xuân có nghĩa là hòa bình, là khi đất nước giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dịp đầu xuân, ông cũng đã gửi đến các khách mời có mặt tại buổi lễ và toàn thể kiều bào tại Pháp lời chúc mừng chân thành cho một năm mới thành công, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.

Màn múa lân chuẩn bị vào khai hội.
Màn múa lân trước giờ khai mạc.

 

Sôi nổi với điệu múa sạp.
Sôi nổi với điệu múa sạp.

Kế tiếp là chương trình văn nghệ mừng Xuân mới. Đó là các tiết mục của các nhóm, hội đoàn thuộc Hội người Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp; các đoàn võ thuật, ca sĩ, nghệ thuật dân tộc từ Việt Nam sang. Một chương trình phong phú đậm màu sắc Tết cổ truyền dân tộc. Tiết mục Về nguồn của các cháu thiếu nhi trong cộng đồng với những bé trai, bé gái 9 -10 tuổi mắt xanh, tóc xoăn hát những bài hát tiếng Việt chưa tròn vành rõ chữ được khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Xen giữa các bài hát là hoạt cảnh các cháu chúc Tết ông bà - một cụ ông người Việt khăn đóng áo dài và một cụ bà "Tây" tóc vấn khăn nhung, áo the quần lĩnh, hai ông bà thay nhau phát bao lì xì mừng tuổi các cháu. Hoạt cảnh về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ khá hoành tráng thể hiện sự trở về với cội nguồn dân tộc, những nét văn hóa đặc trưng các vùng miền Tây Bắc, Tây Nguyên... Tuy nhiên, âm hưởng chủ đạo của chương trình là phần biểu diễn của dàn hợp xướng Hợp ca Quê hương của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Đây là nhóm nhạc tự phát của những kiều bào, những du học sinh, người lao động sống tại Paris. Thật xúc động và tự hào, khi ở nơi xa Tổ quốc hàng chục ngàn cây số lại được nghe những lời ca, giai điệu sâu lắng, trầm hùng: "...Đoàn tàu vượt ra khơi, nắng mới đẹp chân trời. Vượt trên gian khó lớp lớp sóng xô lòng người càng thắm thiết yêu thương. Giặc thù hòng xâm lăng, tay súng ta sẵn sàng. Chiến đấu hy sinh lập nhiều chiến công huy hoàng..." (bài "Lướt sóng ra khơi", nhạc Thế Dương – tốp ca nam); và: "...Việt Nam! Đất nước bên bờ sóng, bão tố của cuộc đời hòa niềm tin thiêng liêng. Việt Nam! Đất nước bao trận thắng, chiến đấu vì độc lập, tự do hôm nay. Cho ta hát tên người Việt Nam ơi!..." (bài "Đất nước bên bờ sóng", nhạc Thái Văn Hóa - hợp ca nam nữ). Kết thúc bài hợp ca, những tràng pháo tay nổi lên không dứt. Những tà áo dài trắng của các nữ ca sĩ trong dàn hợp xướng như một điểm nhấn hoàn hảo cho bức tranh bản sắc Việt giữa đất trời Paris...

 Dương Thế Hoàn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.