Multimedia Đọc Báo in

Khúc tưởng vọng Thành cổ

15:56, 01/07/2019

 Cách đây 47 năm đã diễn ra một trận chiến ác liệt bậc nhất trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta: Trận Thành cổ Quảng Trị, kéo dài 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9 năm 1972.

 Đó là cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 để bảo vệ Thành cổ và Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).

Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, bị san phẳng hoàn toàn. Vậy mà trong mưa bom bão đạn, bộ đội ta vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, lớp này ngã xuống lớp khác đến thay, hàng nghìn người đã lấy máu xương mình giữ gìn Thành cổ. Mật độ bom đạn dày đặc và kéo dài hầu như vùi lấp tất cả, các anh đã mãi yên nghỉ trong một nấm mộ chung ...

Trận chiến Thành cổ đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi của ta trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sáng ngời chiến công, Thành cổ cùng với thị xã Quảng Trị đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang; Cụm di tích Thành cổ Quảng Trị được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng. 

Hiện cụm di tích Thành cổ Quảng Trị được xây dựng thành một công viên văn hóa- lịch sử, với các hạng mục như Đài tưởng niệm trung tâm, Bảo tàng, Đài chứng tích sinh viên, vườn hoa cảnh... thu hút đông đảo du khách đến thăm viếng, tưởng niệm và tri ân những người đã vĩnh viễn nằm nơi lại đây.

 Phóng viên Đắk Lắk điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số hình ảnh ở cụm di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị được ghi lại trong những ngày kỷ niệm lịch sử này:

a
Sông Thạch Hãn phía Bắc Thành cổ - con đường tiếp tế nhân lực, vật lực duy nhất cho mặt trận thị xã và Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm của cuộc chiến, cũng là nơi rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh lúc vượt sông khi địch điên cuồng dội bom nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế này 

 

a
Lối dẫn vào Đài tưởng niệm trung tâm

 

a
Đến với di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị cũng chính là đến với một nghĩa trang đặc biệt, chỉ có một ngôi mộ tập thể, mà biểu tượng chính là Đài tưởng niệm trung tâm. Đài tưởng niệm mô phỏng nấm mộ chung, trên nóc là ngọn đèn có chiều cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các chiến sĩ Thành cổ

 

 

 

a 
Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau về tứ phương, chính giữa là nơi đặt hành trang người lính: Một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô.

 

a
Phía bên ngoài nóc đài có 81 bức phù điêu đặt ngược chiều kim đồng hồ thể hiện 81 tờ lịch ghi lại từng ngày một của cuộc chiến lịch sử này .

 

a
Trong số hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm, có rất nhiều sinh viên của các trường Đại học miền Bắc "xếp bút nghiên lên đường theo tiếng  gọi non sông". Đài Chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị  là nơi tưởng niệm các Anh hằng ngày vẫn được các bạn trẻ thăm viếng

 

a
Cây bồ đề (góc trái ảnh) do đồng chí Đinh Thế Huynh, cựu sinh viên chiến sĩ thành cổ Quảng trị năm 1972, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân trồng ngày 24-8-2004 tỏa bóng mát bên Đài chứng tích

 

aDãy tường hào và cổng thành này từng chứng kiến những trận đọ súng nảy lửa giành giữ từng tấc đất cổ thành

 

a 
Chứng tích bom đạn san phẳng cổ thành

 

a
Hố bom trong thành đã phủ kín cỏ cây. Bên ngoài thành là phố xá Quảng Trị sầm uất

 

a
Du khách đến thăm hình ảnh và hiện vật cuộc chiến trưng bày trong Bảo tàng Thành cổ

 

a
Một trong những hình ảnh ấn tượng trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ, thể hiện tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường của chiến sĩ Thành cổ

 

Hoa Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.