Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn cũng là... cơ hội!

07:22, 05/03/2016
Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp vận tải lại chần chừ giảm giá cước. Câu chuyện đã không còn mới nếu không nói là “điệp khúc” ấy cứ lặp đi lặp lại khiến dư luận bức xúc.
 
Mới đây nhất, trung tuần tháng 2 vừa qua, giá xăng giảm lần thứ tư trong năm 2016 với tổng cộng mức giảm 2.650 đồng/lít đối với xăng và 2.400 đồng/lít đối với dầu diesel. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là giá xăng dầu giảm sâu, theo tính toán hiện bằng với mức từ 8 năm về trước nhưng giá cước vận tải của không ít doanh nghiệp vẫn chưa giảm hoặc giảm không đáng kể.

Minh chứng là có đến trên 3.000 tuyến vận tải trong số hơn 4.000 tuyến vận tải hành khách cố định bằng ôtô của cả nước vẫn chưa thực hiện giảm giá cước; mới có 300 trong cả nghìn hãng taxi giảm giá. Bộ Giao thông – Vận tải đã có văn bản gửi Sở Giao thông – Vận tải các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai và chỉ đạo tất cả các đơn vị vận tải đặc biệt là vận tải theo tuyến cố định bằng ôtô, xe taxi thực hiện ngay việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, bảo đảm giá cước giảm phù hợp, tương xứng với giá nhiên liệu hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lý do để viện dẫn cho việc chưa thực hiện giảm giá này, trong đó, có lý do về việc liên quan đến thủ tục đăng ký, kê khai giá cộng với việc kiểm định nên mất nhiều thời gian... Nhưng họ lại “quên” hoặc vờ “quên” rằng lúc xăng dầu tăng giá thì giá cước vận tải lại tăng rất… kịp thời và nhanh chóng chứ đâu có chần chừ và chậm trễ! Nếu tăng – giảm nhịp nhàng thì dư luận hẳn sẽ không mấy băn khoăn, đặt câu hỏi nghi ngại về sự chây ỳ không giảm hoặc chậm giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm. Thậm chí ngay cả đến Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã phải thốt lên rằng: "Mình phục vụ người dân đi lại, mình cũng phải biết nhục nếu không giảm giá cước, không thể để người ta nói mình chây ỳ”.

Bộ ngành chức năng cũng đã vào cuộc để yêu cầu các đơn vị vận tải điều chỉnh, công bố giá cước tương ứng với giá xăng dầu, đồng thời tính toán đến việc sớm ban hành quy trình kê khai giá cước đơn giản, nhanh chóng hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên không bàn đến các biện pháp hành chính, từ câu chuyện này, dư luận đang nhìn nhận, đánh giá doanh nghiệp trên bình diện bản lĩnh và nhận thức. Chắc chắn doanh nghiệp thừa hiểu quy luật tăng – giảm giá trong kinh doanh, chỉ có điều có thật thà, thẳng thắn và làm một cách lành mạnh khi thực hiện việc điều chỉnh này hay không. Giá nhiên liệu giảm tức chi phí đầu vào cũng giảm: doanh nghiệp không giảm giá cước để thu lợi nhuận, đó là điều dễ hiểu. Nhưng nhiều người lại xem đây là cách kinh doanh thiếu tôn trọng khách hàng, thậm chí là tâm lý “ăn xổi”, chỉ vì cái lợi trước mắt. Trong khi những doanh nghiệp dám chấp nhận đối diện sự thật để điều chỉnh - dù biết sẽ không tránh khỏi những khó khăn, được nhìn nhận một cách sâu sắc rằng: họ rất khôn ngoan, kiên nhẫn giữ chân “thượng đế” và đồng nghĩa với việc tạo một nền tảng kinh doanh vững bền, xây dựng, lưu giữ hình ảnh lâu dài trong thị hiếu khách hàng. Không chỉ trong vận tải mà ở tất cả các lĩnh vực khác, doanh nghiệp đều cần đến điều này, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Lùi để mà tiến và theo như phân tích của chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk: kinh doanh cũng phải xây dựng chiến lược tiến công, phòng thủ và rút lui hợp lý thì có thể nhìn nhận một cách lạc quan rằng: khó khăn cũng là… cơ hội!

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc