Multimedia Đọc Báo in

Những chiến công hiển hách của Tiểu đoàn Đặc công 401 Đắk Lắk

08:28, 22/12/2016

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ trắng trợn vi phạm Hiệp định Giơnevơ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng, buộc chúng ta phải tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn đấu tranh chính trị, lực lượng đặc công ở miền Nam là mũi nhọn trong nhiệm vụ diệt ác làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Khi Mỹ thực hiện kiểu “chiến tranh đặc biệt” xây dựng hệ thống đồn bốt và ấp chiến lược trên khắp miền Nam, với sở trường “luồn sâu đánh hiểm”, lực lượng đặc công đã tiến công mạnh vào chi khu quận lỵ, đồn bốt, tạo điều kiện cho nhân dân phá ấp chiến lược về quê cũ làm ăn.

Trên khắp miền Nam, lực lượng đặc công biệt động bằng cách hóa trang dùng lượng thuốc nổ hẹn giờ liên tục giáng những đòn sấm sét lên đầu Mỹ - ngụy. Tòa Đại sứ Mỹ được canh phòng cẩn mật nhất cũng bị đặc công biệt động tập kích 4 lần trong 2 năm 1964-1965; sân bay quân sự, Tổng kho Mai Hắc Đế ở thị xã Buôn Ma Thuột bị đặc công biệt động tập kích nhiều lần. Đêm 19-6-1961, đặc công tỉnh Đắk Lắk phối hợp với đặc công tỉnh Phú Yên đột nhập vào Củng Sơn phá nhà giam, đưa Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu ra vùng căn cứ cách mạng an toàn. Đêm 29-9-1961, 5 chiến sĩ đặc công Quân khu 5 cùng đội trinh sát của Tỉnh Đội đột nhập vào thị xã Tuy Hòa, bí mật đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ nơi giam giữ vượt vòng vây truy đuổi của địch trở ra vùng giải phóng an toàn.

Khi Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, lực lượng đặc công đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1967. Đồng thời, trong thế chiến lược của chiến tranh nhân dân, các lực lượng đặc công cũng được phát triển rộng rãi trong 3 thứ quân, trên các địa bàn chiến lược, hình thành tổ chức từ trên xuống dưới. Lực lượng đặc công được bố trí ở các địa bàn quan trọng, bám sát căn cứ, hậu cứ địch và vùng dân cư xung yếu. Lực lượng đặc công phát triển tương đối toàn diện, rộng khắp trên khắp chiến trường; có lực lượng đặc công cơ động của Bộ, Quân khu, Mặt trận; có lực lượng đặc công nằm trong sư đoàn, trung đoàn chủ lực, có đặc công tỉnh, huyện, xã…; có đặc công biệt động, đặc công đánh bộ, đặc công nước,…

Đánh giá cao vai trò của bộ đội đặc công trên chiến trường và dự kiến chiến lược chính xác về vị trí của bộ đội đặc công trong tương lai, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Binh chủng Đặc công vào ngày 19-3-1967.

Ở Đắk Lắk, tháng 12-1960 Trung đội Đặc công (A33) được thành lập do đồng chí Nguyễn Bá Thảo phụ trách, được bổ sung quân số của V80. Đến tháng 10-1965, Đại đội Đặc công Đắk Lắk được thành lập, lấy phiên hiệu là Đại đội 308. Tháng 12-1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 biệt phái Đại đội 2 của Tiểu đoàn Đặc công 407 Quân khu 5 đặc trách thị xã Buôn Ma Thuột lấy phiên hiệu là Liên đội 10; đến tháng 10-1966, Liên đội 10 được biên chế về Tỉnh Đội Đắk Lắk lấy phiên hiệu là Đại đội 310. Tháng 10-1967, Bộ Tư lệnh Đặc công bổ sung cho tỉnh Đắk Lắk đội 11 đặc công lấy phiên hiệu là Đại đội 309. Ngày 7-11-1967, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định thành lập Tiểu đoàn Đặc công Cơ động tỉnh Đắk Lắk gồm: Đại đội 308, 309, 310 và thành lập Đại đội Hỏa lực lấy phiên hiệu là Đại đội 306. Đêm 4-1-1968, Tiểu đoàn ra quân tập kích Sân bay quân sự của Mỹ - ngụy tại thị xã Buôn Ma Thuột, đánh thắng trận đầu. Sau đó, Tiểu đoàn lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn Đặc công 401 Đắk Lắk. Đến tháng 7-1969, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên bổ sung cho Tiểu đoàn một đại đội đặc công lấy phiên hiệu là Đại đội 307.

Dù phải chiến đấu trên một chiến trường khó khăn gian khổ nhất, luôn thiếu thốn cả từ vũ khí, súng đạn đến lương thực thực phẩm, đói ăn thiếu mặc song cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 401 đã nêu cao truyền thống tự lực, tự cường, kiên trì chịu đựng gian khổ tìm cách khắc phục mọi khó khăn để bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tiểu đoàn 401 vừa chiến đấu, vừa xây dựng, vừa sản xuất tự túc, chiến đấu với hiệu suất cao, đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng, đánh nhồi, đánh bồi, đánh liên tục, trở thành nỗi kinh hoàng của quân Mỹ - ngụy trên chiến trường Đắk Lắk.

Phát huy truyền thống anh hùng của Binh chủng Đặc công, một binh chủng “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, kể từ ngày thành lập đến ngày giải phóng miền Nam (20-11-1967 đến 30-4-1975), Tiểu đoàn Đặc công 401 Đắk Lắk đã chiến đấu 128 trận (có 28 trận lớn), tiêu diệt 2.603 tên địch (trong đó có 85 tên Mỹ), làm bị thương 140 tên, diệt gọn 9 trung đội, 1 đại đội, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn, 5 sở chỉ huy tiểu đoàn, 1 sở chỉ huy trung đoàn, đánh thiệt hại nặng 4 chỉ huy quận lỵ và 1 tỉnh lỵ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh quan trọng của địch.

Tiểu đoàn Đặc công 401 có một số trận đánh điển hình tiêu biểu như trận tập kích Tiểu đoàn Pháo binh 232 và Trung đoàn 8 Thiết giáp thuộc Sư đoàn 23 ngụy; sân bay quân sự tại thị xã Buôn Ma Thuột; quận lỵ Lạc Thiện, Buôn Hồ, Phú Thiện, Phú Túc; thị xã Cheo Reo, tỉnh lỵ Phú Bổn; Tổng kho Mai Hắc Đế, cứ điểm Cư H’Lâm và Điểm cao 529/H5 (Cư M’gar)… đã đi vào lịch sử như những mốc son ngời sáng chiến công. Bằng “cú đấm” quân sự, Tiểu đoàn đã hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận và nổi dậy của nhân dân nhiều vùng trong tỉnh.

Đặc biệt, vào ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tiểu đoàn Đặc công 401 Đắk Lắk do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiểu đoàn 401 và Đại đội 309 được tặng danh hiệu “Đơn vị Thành đồng Quyết Thắng”.

Đại tá Phan Công Thí

(Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 401)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.