Multimedia Đọc Báo in

Đạm Phương Nữ Sử - Nữ tiểu thuyết gia đầu tiên trong nền văn chương Việt Nam hiện đại

09:02, 29/08/2011

Nhân cách và bản lĩnh văn hóa của một con người không chỉ bắt nguồn từ truyền thống gia đình, hồn cốt của dân tộc, mà còn có cả không khí của thời đại hun đúc tạo nên. Đối với Đạm Phương Nữ Sử, điều ấy càng dễ nhận ra. Sinh ra trong một gia đình quý tộc, có truyền thống về học vấn, được nuôi dạy một cách nghiêm cẩn trong cung đình, biết và sử dụng một cách thành thạo chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ, tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nhân loại về tự do, dân chủ, công bằng, bác ái, bình đẳng, nhân quyền của các nhà cách mạng tư sản như J.J. Rousseau, S.Simon, Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, tiếp xúc với các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các đảng viên cộng sản Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ giúp cho một công nương như bà chuyển hóa nhận thức, tự giác đứng vào hàng ngũ những trí thức tiến bộ của thời đại, sử dụng báo chí làm phương tiện nâng cao dân trí, nhất là đối với nữ giới và đấu tranh cho công bằng xã hội.

Đạm Phương Nữ Sử (1881-1947). Ảnh: T.L
Đạm Phương Nữ Sử (1881-1947). Ảnh: T.L
Trong khi các anh thư cùng thời với Đạm Phương, mỗi người chỉ thành danh trong một hai lĩnh vực: Sương Nguyệt Anh (1864-1921) là nhà thơ, nhà báo, chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên Nữ giới chung (1918); Cao Ngọc Anh (1878-1970) là nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, mở trường dạy văn chương và võ thuật cho phụ nữ; Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) là nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu, Tương Phố (1896-1973) là nhà thơ; Song Thu (1900- 1970) là nhà thơ, nhà báo thì Đạm Phương (1881-1948) lại chiếm hầu hết các danh hiệu cao quý như nhà giáo dục học, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà báo, nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội, nhà nữ quyền đầu tiên ở Đông Nam Á… Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói đến bà trong tư cách là nhà viết tiểu thuyết tân văn-tiểu thuyết dài kỳ in báo.

Với một cái nhìn cảm quan về lịch sử cụ thể, có thể khẳng định toàn bộ sự nghiệp văn chương, học thuật của Đạm Phương đều được hình thành trên cái nền của đời sống báo chí còn non trẻ của nước ta. Nếu không tính những tập thơ chữ Hán bà làm thời thiếu nữ như Đông quán thi tập, Tú dư xích độc và tập Hiệp bích thi thảo viết chung với chồng sau ngày xuất giá thì toàn bộ những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, tiểu phẩm, tạp văn, biên khảo thuộc nhiều đề tài khác nhau của bà đều viết ra trước hết là nhằm để in báo. Truyền thống văn chương Hán học ở nước ta chủ yếu là thơ phú; những tác giả nữ hiếm hoi có thể tính trên đầu ngón tay, lại càng hiếm người viết văn xuôi. Và, trong môi trường sôi sục của báo chí dường như lúc nào cũng có thể thiêu cháy các tập tục xã hội đã lỗi thời ấy, bà Đạm Phương đã trở thành nữ tác giả tiểu thuyết đầu tiên trong nền văn học hiện đại Việt Nam, với các tác phẩm: Kim Tú Cầu (1922), Hồng phấn tương tri (1929), Năm mươi năm về trước (1944).
Kim Tú Cầu là câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của cô Tú Cầu, con gái một vị quan đã nghỉ hưu của triều đình Huế. Do quan niệm phong kiến sai lệch, bảo thủ và hủ tục mê tín của cha mẹ mà Tú Cầu phải dang dở duyên lành với chàng Ngọc Lan đã kết thân từ thuở thanh mai trúc mã, trải thân nơi đất khách với bao hoạn nạn, cuối cùng phải bỏ mạng ở xứ người. Tác phẩm nhằm phê phán những quan niệm cổ hủ về hôn nhân đã chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ, trước sự áp đặt của cha mẹ, là tiếng chuông báo động và đòi hỏi quyết liệt, riết róng về quyền được tự do luyến ái và chọn lựa trong hôn nhân, đồng thời đề cao truyền thống đạo lý trọng nghĩa, thủy chung trong tình bạn, tình yêu. Tiểu thuyết này nằm trong không khí chung của những tác phẩm cùng thời như Hà Hương phong nguyệt (1912) của Lê Hoàng Mưu, Kim Anh lệ sử (1924) của Trọng Khiêm, Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, Mồ cô Phuợng (1926) của Lê Cương Phụng…như chính tác giả đã gọi tiểu loại tiểu thuyết của mình là bi tình tiểu thuyêt. Hồng phấn tương tri là câu chuyện về mối tình giữa Nam Châu và Quế Anh, cả hai đều là những con ngươi lịch duyệt, được ăn học tử tế, sống trầm lặng, nhưng nhiệt thành với dân chúng nghèo khó và đồng sự. Họ gặp nhau ở cùng nhiệm sở, cùng ý hợp tâm đầu, tương tri tương ngộ, yêu nhau mà không dám tỏ bày. Nam Châu có hai người con gái đem lòng yêu mến, tìm cách cản ngăn mối tình của họ, nhưng cuối cùng họ cũng đến được với nhau sau chuyến Quế Anh về quê chăm sóc cha mẹ già. Trong Lời phụ bàn cuối tác phẩm, tác giả có diễn giải một cách khiêm tốn rằng: “Tiểu thuyết tuy có phần thuộc ái tình, nhưng mô tả nhiều phần duyệt lịch thế thái nhân tình, và có ngụ sự bao biếm (chê bai) ở trong, để cảnh tỉnh lòng người một cách kín đáo, so với các tiểu thuyết ái tình khác thì có vẻ biệt khai sinh diện (mở riêng một mặt mới) vậy, còn văn chương có non nớt, chắc độc giả cũng lượng tình mà dung thứ cho” (Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Nxb Văn học 2010, tr.410). Đó là lời tự nhận xét cô đúc và chính xác về tác phẩm. So với tiểu thuyết đầu tay Kim Tú Cầu thì Hồng phấn tương tri có kết cấu và cốt truyện đơn giản hơn nhiều. Tác phẩm chỉ nhằm miêu tả hai tính cách như hai mẫu hình thanh niên thời đại, qua những việc làm nhỏ nhặt trong cuộc sống, cùng nhau bước trên con đường mưu cầu sự tiến hóa cho xã hội. Năm 1944, bản thảo tiểu thuyết Năm mươi năm về trước, bà viết nhằm phê phán hiện thực hủ bại trong đời sống ở chốn cung đình, nhưng sách chưa kịp in ra thì bản thảo bị kiểm duyệt và tiêu hủy ngay sau khi đưa đến nhà xuất bản. Vì thế, cho đến nay, Đạm Phương chỉ để lại cho chúng ta hai tiểu thuyết Kim Tú Cầu và Hồng phấn tương tri.

Điều đáng lưu ý là sáng tác tiểu thuyết của Đạm Phương ra đời cùng thời với lý thuyết về thể loại tiểu thuyết ra đời ở nước ta. Công trình lý luận văn học đầu tiên ở nước ta là Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh. Ông viết sau chuyến đi Pháp về và công bố từng phần trên Nam Phong tạp chí, bắt đầu từ năm 1922 đến 1925 thì in thành sách, trong đó đã chỉ rõ rằng tiểu thuyết hiện đại là tiểu thuyết tân văn, viết ra để in báo, gắn liền với đời sống báo chí: “Tiểu thuyết là một thể văn chương thịnh hành nhất đời nay. Trong các sách xuất bản ở các nước hiện bây giờ, quá nửa là sách tiểu thuyết. Trong các báo hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, không bao giờ là không có một phần tiểu thuyết (…) Nay cứ lý hội các tính cách chung của tiểu thuyết đời nay thì có thể giải nghĩa tiểu thuyết như thế này: tiểu thuyết là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã hội, hay là những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người đọc có hứng thú” (Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa thông tin 2000, tr.9 và 10). Kim Tú Cầu là tiểu thuyết tân văn, nó phải chịu sự qui định về dung lượng hiện thực phản ánh, những sự kiện và con người, số chữ số trang và cả kết cấu tác phẩm phải phù hợp với cột báo, trang báo của từng số báo. Người viết phải biết làm chủ ngòi bút của mình, khi thì phải cô đúc, dồn nén vấn đề một cách tinh gọn, diễn đạt một cách súc tích, khi lại phải biết dàn trải, nhẩn nha dẫn dắt người đọc thâm nhập vào chính tâm hồn mình, tạo nên sự tương thông, đồng cảm. Ngắn mà không thiếu, dài mà không thừa, không tạo nên sự nhàm chán. Tất cả đều góp phần tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật không thể tách rời hoặc chia cắt. Quả là, tiểu thuyết của Đạm Phương, tuy xuất hiện trong buổi phôi thai của lịch sử thể loại, nhưng đã thể hiện được những yêu cầu về thể loại, có những đóng góp đáng ghi nhận trong quá trình hiện đại hoá văn học nước nhà.

Khách quan mà nói, không phải tất cả đã hoàn hảo, nhất là về kết cấu giản đơn, tâm lý nhân vật cứng nhắc, ngôn ngữ miêu tả đôi chỗ chưa thoát khỏi lối văn biền ngẫu…Nhưng không thể đòi hỏi tất cả mọi điều đối với một người đi mở đường. Vì vậy, cũng công bằng mà khẳng định, bà Đạm Phưong Nữ Sử là nữ tiểu thuyết gia đầu tiên ở nước ta.

Phạm Phú Phong

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.