Multimedia Đọc Báo in

Hoa hậu nhà không số

10:47, 28/12/2012

Hoa có thói quen ngủ sớm và dậy sớm. Ngủ sớm để khỏi nghe tiếng ngáy sòng sọc của bà Bảy giống hệt tiếng rít thuốc lào của ông lão vá xe ở đầu con hẻm. Ông ta hút thuốc trông ngộ nghĩnh và vui tai, còn bà Bảy ngáy như “thi hành án” đối với mọi người ngủ chung trên gác xép.

Dậy sớm, Hoa không bị “cây kèn xắcxôphon” trưởng dàn nhạc của bà Bảy tra tấn, nhưng dàn họp xướng vẫn hoạt động nhịp nhàng. Thằng Cút ngáy khìn khìn, thỉnh thoảng dừng lại nhai răng sào sạo. Thằng Lân không ngáy thay vì nói mê. Có lúc nó nói xàm xong lại cười khùng khục. Con Hằng thì phùng miệng ra thở lụp bụp như cơm sôi…

Hoa biết bà Bảy dậy sớm vì tuổi tác, vì nỗi nhớ quê nhà. Bà vào Sài Gòn bán vé số vì không muốn sống nhờ vả con cái. Tuổi già tự ái dồn dập, bà Bảy nghĩ mình là đồ vô dụng, không giúp ích được gì cho ai, trái lại phải sống nhờ, sống gởi tủi cho cái thân lắm. Có lẽ giờ này má Hoa ở quê cũng đã choàng dậy nấu cháo heo. Đời má là chuỗi ngày dài bươn bả vì cuộc sống gia đình. Gần một năm rồi Hoa chưa về quê, chưa được ôm má để nghe cái mùi mồ hôi rất… má.

Gác xép tối om. Hoa loi ngoi, nặng nề ngồi dậy vớ lấy cái điện thoại bấm nút. Một nguồn sáng nhờ nhờ đủ để Hoa quan sát chung quanh. Hơn mười con người nằm san sát vào nhau trên nền ván ghép. Những mảnh đời tha phương cầu thực buộc phải chấp nhận sự sống chen chúc, âm u. Hoa chống hai tay, xoay người lại, tiếp tục bấm nút điện thoại, bấm rồi tắt, tắt rồi bấm. Sự xê dịch của cô thật khó khăn. Cô còn phải giữ giấc ngủ cho những người cùng chung cảnh ngộ. Mỗi ngày họ phải cuốc bộ hàng chục cây số, giấc ngủ thật quý giá đối với họ. Hoa chống tay bẫy người về phía trước từng li từng tí. Từ chỗ cô nằm ngủ đến cầu thang khoảng ba mét, cô di chuyển mất hơn năm phút. Gay go nhất là khi xuống cầu thang, đôi chân của cô dài chỉ bằng gang tay, những ngón chân lại quẹo vọ chống đỡ thân hình tuổi hai mươi thật khó nhọc. Tạo hóa thật bất công sanh ra Hoa nửa người, nửa ngợm. Từ thắt lưng trở lên Hoa đủ đầy như bao người con gái khác, thậm chí còn vượt trội. Hoa có vầng lưng ong, bộ ngực căng tròn, gương mặt đẹp như Đức mẹ đồng trinh, đặc biệt là cái nhìn gợi tình, nhưng không chút lẳng lơ. Mỗi lần Hoa đi bán vé số, cô ngồi trên chiếc xe lăn. Cô di chuyển tới đâu, mọi người ngẩn ngơ tới đó. Đàn ông con trai bị thôi miên đã đành, các bà, các chị cũng bị cuốn hút như sắt gặp nam châm. Tiếng mời gọi mua vé số của Hoa thanh tao như tiếng cô giáo giảng văn vào một sáng cuối thu yên ả. Thế là người không thích vé số cũng mua, người nghiện vé số càng mua nhiều hơn. Hoa là người bán vé số đạt “doanh thu” cao nhất trong nhiều người từ quê vào phố làm nghề cầu phước, cầu lòng nhân của mọi người và là thần tài của Phán – một chủ đại lý vé số ăn nên làm ra.

Cái toilet của căn nhà không số mà Phán thuê cho dân bán vé số trú ngụ thật tồi tàn. Bốn vách tường rêu phủ xám xịt. Trong và ngoài toilet lúc nào cũng ẩm ướt, bốc mùi hôi khăm khẳm dẫu luôn có ngọn đèn vàng ệch thường trực. Cách đấy không xa là cái toilet dành riêng cho vợ chồng Phán cửa khóa im ỉm. Vợ chồng Phán ngủ ở tầng trệt không phải thiếu tiền thuê khách sạn loại sang, mà để quản lý chặt chẽ “những chiếc cần câu cơm”; những mảnh đời tật nguyền, khổ hạnh, nhưng biết mang lại tiền, vàng đầy túi cho Phán. Gã biết bóc lột lòng nhân của mọi người qua những người bán vé số với cái tên gọi thật dễ nghe “đại lý vé số”.

Một lần, thằng Cút về quê gặp Đoàn công tác của Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện phối hợp với chính quyền địa phương đến vận động trẻ em lang thang về nhà. Má thằng Cút cười tươi như hoa bưởi: “Mấy anh, mấy chị bảo thằng con tôi lang thang là lang thang thế nào? Nó đi làm ở Sài Gòn vừa về thăm nhà đó. Cháu tàn, nhưng không phế, còn hơn hẳn các ông sức dài vai rộng lười lao động, ăn bám gia đình, lại còn rượu chè đổ đốn”.

Ngày nào cũng như ngày nào đến gần chiều tối bán chưa hết vé số, thằng Cút thường ôm đại vào chân của khách đi đường, miệng kêu thảng thốt thứ âm thanh não nề, Mọi người thấy vậy thương tình mua giúp. Nơi dừng chân của Cút là những cây xăng ngã ba, ngã tư, ngã năm. Nhiều người mua vé số thấy Cút tật nguyền, mua vé số rồi cho tiền thêm. Tháng trước Cút cầm tập vé số rao bán bị một thanh niên giật chạy vào con hẻm. Cút không đủ tiền thanh toán số vé bị mất cho Phán. Cậu gọi xe ôm trốn đi làm cho đại lý vé số khác bị Phán cho đàn em truy bắt đem về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Chưa có ai bán vé số cho Phán mà chối nợ trốn đi an toàn.

*

Cuộc nhậu của các chủ đại lý vé số đang đến hồi cao hứng, Phán móc túi lấy ra một con vụ bằng gỗ đặt trên bàn: “Tôi có trò chơi này, anh em xem có được không nhé! Chúng ta dùng cái vụ xoay một vòng, nếu cái vụ dừng lại, ngã về phía người nào thì người ấy phải cạn chai một trăm phần trăm?”. Hết thảy mọi người trong bàn nhậu hưởng ứng: “Được đấy! Chơi luôn! Cô bé tiếp thị này làm trọng tài!”. Tân là chủ một đại lý vé số trước đây từng vỡ nợ, bán nhà, dắt díu vợ con vào thành phố bán vé số, gặp may phất lên mở đại lý vé số có lối sống phóng túng liền trao cái vụ cho cô tiếp viên: “Em mát tay xoay giúp tụi anh!”. Cô bé da trắng mỡ màng, gương mặt sáng như đóa quỳnh nở dưới ánh điện nê-ông, dáng dấp cao ráo với những đường cong thôi miên. Điểm nhấn là mặc quần jean, áo thun đen hở ngực để hai gò bồng…bềnh cực kỳ hot, cười ròn rã: “Được, em thực hiện ngay đây”. Mọi người reo hò dõi theo vòng quay của cái vụ. Cuối cùng rồi cái vụ cũng dừng lại, ngoẹo sang một bên hướng về phía Tuấn - chàng đại lý vé số còn trẻ măng, lại nổi tiếng ăn chơi. Phán la to nhất. Tân bật dậy vỗ tay đôm đốp. Phú cười bâng quơ: “Thằng Tuấn coi vậy mà hên. Uống đi mày!”. Tuấn đón nhận chai heineken từ tay cô tiếp viên, nói gượng: “Mời mấy ông đưa hơi lấy hên với tôi!”. Phán nốc một hơi đặt ly xuống bàn, nhìn cô tiếp viên, cười cợt: “Em gái ơi! Những lần sau, người được cái vụ ghé thăm cạn chai, em cạn ly nhé! Em uống, tụi anh mới có trớn mà chơi chớ”. Cô bé miễn cưỡng gật đầu.

Có lẽ đến với nhà hàng Ly Ly, khách không chỉ để nhâm nhi ly bia, ly rượu ở cái nơi thoáng đãng, mát mẻ, mà cái chính là để chiêm ngưỡng những người đẹp chân dài, giọng nói líu lo như vàng anh. Dùng sắc đẹp để câu khách là nghệ thuật xưa như trái đất, song nó vẫn thịnh hành mọi nơi, mọi lúc. Đố thằng cha nào thấy gái đẹp mà ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác chết liền.

Nhiều khi các chủ đại lý vé số đang nhậu ngon trớn, bỗng đâu ngoài cửa quán lù lù xuất hiện một người bán vé số không trông trước, nhìn sau, xăm xăm đi thẳng vào bàn nhậu, giơ tập vé số lên. Chợt nhận ra “người nhà”, dân bán vé số ngượng ngùng, lặng lẽ quay gót. Các chủ đại lý vé số cũng giả lơ, giả điếc cho đỡ quê với các bàn nhậu bên cạnh. Họ tự hiểu có đại lý, đại gia gì đi chăng nữa cũng là người sống bám vào sức lực của những kẻ tật nguyền, khốn khổ. Những đồng tiền sạch từ lòng nhân của mọi người chia sẻ, ủng hộ những người nghèo khổ đi bán vé số trên mọi ngã đường, qua trung gian các chủ đại lý vé số biến thành “xị”, (mỗi xị là một trăm ngàn đồng) thành “chai’ (mỗi chai là một triệu đồng) để cá độ bóng đá, đánh bạc, cho vay nặng lãi… Ông Chất bán vé số cho Tân, ở ngoài quê con ông bị tai nạn lao động. Ông Chất vay của Tân hai mươi triệu đồng để chạy chữa cho con. Mỗi tháng Tân thu lãi bốn triệu đồng. Ông Chất trở thành con nợ cầm chân lâu dài của Tân.

Năm ngoái vợ chồng Tân về quê với đám đàn em đòi nợ thuê bằng chiếc ô tô mới cứng. Hàng xóm nhìn Tân ngỡ ngàng. Gã cười khanh khách: “Tui là thằng Tân. Tân làm lò gạch vỡ nợ đây chứ có xa lạ gì đâu mấy người nhìn tôi chằm chặp vậy?”. Bác Ba nhà láng giềng ngước mặt cười khỉnh: “Mày trở thành đại gia rồi nên xóm làng nhìn lác mắt đó. Giàu rồi sao để cha mẹ mày khổ cực thế?”. Vợ Tân ăn mặc diêm dúa như đào cải lương cải chính: “Tôi bảo hai người vào thành phố ở với vợ chồng tôi cho sướng đâu có chịu nghe”. Bà cụ nhà bên chường mặt ra: “Hai vợ chồng bay có thương cha mẹ thì cứ việc xì tiền ra cho mấy đứa em ở nhà nó nuôi có khó khăn chi”. Có tiếng cười nhạt của ai đó đứng sau bờ giậu : “Giàu xổi trên mồ hôi của những kẻ tật nguyền, còn chảnh!”.

*

Gần căn nhà không số Hoa đang ở có một cậu con trai lớn hơn Hoa chừng vài tuổi. Cậu tên là Vũ. Thi đại học hai lần không đỗ đành an phận chạy xe ôm. Không nhớ đó là vào ngày nào, Vũ dong xe vào con hẻm, bất chợt gặp cô gái ngồi trên xe lăn đi ngược chiều. Ôi, trời ơi! Gương mặt đẹp như hoa hậu. Nó hoàn hảo đến mức không chê vào đâu được. Vũ suýt đâm xe vào trụ điện, trong khi Hoa dửng dưng ném cái nhìn điềm nhiên về phía trước, hai bàn tay điều khiển con lắc tạo lực đẩy. Có lẽ Hoa đã quá quen thuộc với những cái nhìn như muốn nuốt chửng cô. Đàn ông là thế giới của lòng tham lam vô hạn. Có người yêu rồi, có vợ rồi, thậm chí con đàn cháu đống, ra đường thấy gái đẹp vẫn cứ hau háu.

Hôm ấy về nhà, trong đầu Vũ lơ ngơ dấu hỏi lớn: “Nàng là ai?”. Sáng mai, thay vì chạy xe thẳng tới ngã tư để bắt khách, Vũ lại lò dò vào con hẻm hôm qua tình cờ gặp người đẹp, móc thuốc thơm mời ông lão vá xe: “Bác ơi! Cô bé ngồi trên xe lăn hôm qua nhà ở đâu vậy?”. Ông già cười nửa miệng: “Bộ phải lòng con nhỏ đó rồi phải hôn? Nó là con Hoa, quê ở tận miền Trung vào đây làm nghề bán vé số. Nhà ở đằng kia, không có số má đâu nhá. Cậu chạy thẳng một hơi khoảng hai mươi mét rồi rẽ trái, thấy nhà nào trước cửa có mấy chiếc xe lăn thì vào”. Cậu lái xe ôm gãi đầu, cười hiền: “Cháu hỏi cho biết vậy thôi, chứ vào đó làm gì”.

Ngày thứ nhất. Vũ đón Hoa lại mua mười cái vé số khi cô bé mới vừa ra khỏi ngõ, gởi kèm theo cô gái cái nhìn đắm đuối. Hôm ấy mới hơn mười giờ trưa, Hoa bán vé số hết veo.

Ngày thứ hai. Hoa phát hiện “khách hàng nhẹ vía” mới mờ sáng đã lảng vảng trước ngõ. Ông Chất chống nạng đi bán vé số đầu tiên, anh chàng giả lơ ngó sang một bên. Đợi Hoa xuất hiện, vẻ mặt thư sinh hiện lên sự lúng túng như gà mắc tóc: “Em bán cho anh mười vé”. Cô bé nở nụ cười. Trời đất ơi! Nụ cười càng làm cho người đẹp đẹp thêm lên gấp bội. Giọng nói nghe ngọt như mía lùi: “Sao anh không dò vé số hôm qua?”. Vũ không tự nhiên cho lắm: “Ờ, ờ! Cho anh xem với!”.

Ngày thứ ba. Vũ ngồi tán dóc với ông lão vá xe. Cậu bật dậy như chiếc lò xo khi nhác thấy Hoa xuất hiện ở đầu con hẻm: “Bán cho anh mười vé!”. Cô bé trao tập vé số cho anh chàng lái xe ôm, trong đầu bỗng nảy ra ý nghĩ ngồ ngộ: “Hôm nào cũng mua mười vé, mình gọi anh ta bằng anh Mười chọc chơi”. Nghĩ vậy, nhưng Hoa không dám khiếm nhã, sợ người ta tự ái thì nguy. Còn Vũ bỗng nhiên thấy Hoa mỉm cười một mình thì ngỡ rằng cô bé để ý đến mình, lòng rộn lên niềm vui như cha chết sống dậy. Cậu nhìn Hoa trút hết ruột gan: “Chúc em một ngày mới gặp nhiều may mắn!”. Hoa lại mỉm cười: “Dạ! Em cảm ơn anh!”. Cách nhìn, vẻ ngượng ngùng của Vũ mỗi lần gặp Hoa, cô bé đã hiểu ra tất cả. Ánh mắt đắm đuối của Vũ có sự dịu dàng chia sẻ, lo lắng, nó không giống như những người đàn ông khác nhìn Hoa chòng chọc như người khát nước gặp con suối đại ngàn, nốc ừng ực thỏa thuê rồi quay lưng, rồi quên mất.

Những ngày sau đó. Hai tâm hồn đồng điệu. Có hôm Hoa buồn xa vắng: “Đừng yêu em, anh ơi! Em tật nguyền thế này chỉ làm khổ anh!”. Anh chàng lái xe ôm rên rỉ: “Không! Không bao giờ anh quên em!”.

Buổi sáng. Quãng hơn sáu giờ. Nhà không số không khí rộn ràng. Những người già dậy sớm ăn qua quýt rồi mang xách âm thầm lên đường. Bà Bảy, ông Chất, con Hằng, thằng Lân, cu Tý, cu Tuấn vai mang xách, tay cầm vé số tự đi bán một mình, mỗi người một hướng. Họ có bạn hàng mua vé số qua nhiều ngày tháng, có thể bán vé số cho nợ, khi nào khách có tiền thì trả, không đòi ngược, đòi xuôi. Cu Tý, cu Tuấn tuổi nhỏ cũng có bạn hàng, nhưng không ai nỡ mua nợ, lại thi thoảng còn được khách hàng cho tiền. Tuổi thơ của hai đứa trẻ rơi trên những con phố ồn ã, xô bồ. Thằng Tuấn bỏ học ngang từ lớp sáu, theo ba má vào thành phố bán vé số. Dọc đường đi bán vé số, nó thường nhặt nhạnh đủ loại đồ chơi mang về quê tặng cho mấy người bạn thân. Cu Tý thì đang học lớp hai, chủ nhật nào cũng bị ba má thúc ép cầm tập vé số đi bán. Có lần nó bị người lớn giật vé số chạy mất, tức tưởi khóc, về nhà còn bị ba má cho ăn đòn. Bà Thà, thằng Cút, thằng Tèo, con Lương và Hoa có tật bẩm sinh phải đi bán vé số bằng xe lăn, hoặc có người đẩy xe, tiền lãi chia đôi.

Hôm qua, Phán về nhà vai mang túi xách căng phồng, mặt mày rạng rỡ như hoa xuân đón sương mai. Vợ chồng gã đóng chặt cửa thì thầm to nhỏ hồi lâu. Hẳn là anh ta cá độ bóng đá thắng lớn. Vợ chồng con người này có một tình yêu duy nhất, đó là yêu tiền, vàng. Trong số người bán vé số do Phán cai quản, ai bán được nhiều vé số, gã xem như vàng ngọc. Ai xui xẻo bán thất bát, gã đe nẹt, lạnh lùng. Mới đây Phán làm tình làm tội Hằng vì cô bé nghỉ hẳn một ngày đi thăm người thân ở quê vào chữa bệnh. Gã còn giam lỏng thằng Lân vì đến hẹn không thanh toán đủ tiền bán vé số, khiến thằng bé khóc sưng vù cả mắt. Vợ Phán thì mỗi ngày đi chợ mua cá ươn, tôm bẫy về nấu cho những người bán vé số ăn như bố thí. Căn nhà không số ấy chất chứa những thân phận hẩm hiu. Nó giống như những cỗ máy hao mòn, nhưng vẫn phải tận dụng tối đa công suất.

*

Hôm nay Vũ nghỉ hẳn một ngày chạy xe ôm để gặp Hoa. Cô nàng hứa sẽ trả lời Vũ dứt khoát chuyện tình cảm. Vũ mừng lắm: “Anh sẽ đến ngã ba cây xăng chờ em, nhưng sao em lại hẹn gặp anh ở đó?”. Hoa cười tủm tỉm, nụ cười còn đẹp hơn các hoa hậu Báo Tiền Phong: “Bí mật! Không thể nói trước”. Đúng 10 giờ 30, Vũ có mặt ở điểm hẹn đã thấy Hoa cùng với một thanh niên cũng ngồi trên xe lăn, trạc tuổi Hoa. Vũ còn đang bỡ ngỡ, Hoa đã lên tiếng: “Đây là anh An, người yêu của em. Chúng em đã quen nhau từ lâu rồi, nhưng em không dám nói với anh ngay từ đầu vì không ngờ sự việc trở nên phức tạp như vậy. Anh hãy tha lỗi cho Hoa nhé! Em không thể nào đón nhận tình yêu của anh. Anh đẹp trai, hiền lành, giỏi giang, tương lai tốt đẹp đang mở ra ở phía trước. Còn em là cô bé tật nguyền, quê nhà xa tít… Em không thể nào làm vợ của anh được… Anh đừng giận em nghe!”.

Vũ ngây người không nói được một câu. An thì cúi đầu lặng lẽ. Hoa lăn xe lại bên Vũ, cô cầm chặt bàn tay anh; người con trai mà cô hết lòng quý mến: “Hãy xem em như là cô em gái nhỏ, anh nhé!”. Vũ như người vừa trải qua cơn mê: “Anh thành tâm chúc em và An được nhiều hạnh phúc!”. Ngay lúc ấy, bất chợt xuất hiện một đôi vợ chồng trẻ ngồi trên chiếc xe máy đặc dụng dành riêng cho những người tật nguyền ở đôi chân, chở theo một đứa con trai bụ bẫm. Cô vợ cũng tật nguyền giống hệt Hoa. Vũ nhìn đôi vợ chồng mới đến rồi nhìn sang Hoa và An, anh thở nhè nhẹ, lặng lẽ quay đi, lòng ngổn ngang nỗi buồn.

Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng  


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Lối về rộng mở
10:26, 15/12/2012
Người bạn
17:52, 16/11/2012
Từ quê lên phố
14:07, 10/11/2012
Đường làng
15:07, 19/10/2012
Hóa trang
14:08, 13/10/2012
Nàng Sứt
21:46, 02/10/2012