Multimedia Đọc Báo in

Những sự kiện khó quên của Viễn thông Việt Nam

07:27, 20/08/2011

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Việt Nam, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới ITU đã đánh giá cao bước phát triển của Viễn thông Việt Nam. Theo xếp hạng của ITU, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về mật độ thuê bao di động, tiến bộ nhanh chóng về phát triển băng rộng và được đánh giá như một điểm sáng của viễn thông thế giới.

Việt Nam lần đầu tiên có tên trong bản đồ Viễn thông thế giới
Năm 1993, tuyến cáp quang dung lượng 34Mbps đầu tiên Hà Nội – TP Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động. Cũng trong năm này, mạng thông tin di động MobiFone sử dụng công nghệ GSM lần đầu tiên được đưa vào khai thác ở Việt Nam. Đến cuối năm 1994, mạng truyền dẫn và chuyển mạch của VNPT đã được số hóa tới 372/495 huyện. Năm 1995 hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn mạng viễn thông đã được số hoá hoàn toàn. Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ số hóa mạng lưới cao nhất Đông Nam Á. Mật độ điện thoại của Việt Nam đạt 1 máy/100 dân. Lần đầu tiên mạng viễn thông Việt Nam có tên trên bản đồ viễn thông thế giới.

Đổi số toàn bộ mạng điện thoại quốc gia
Bước ngoặt đầu tiên phải kể tới đó là công cuộc đổi số thành công toàn bộ mạng điện thoại quốc gia lần đầu tiên diễn ra vào đêm 29-2, rạng sáng ngày 1-3-1996. Lần đổi số này là tăng gấp 10 lần dung lượng tổng đài,  đồng thời tăng số thuê bao của khách hàng từ 6 số lên 7 số. Cùng với việc đổi số, hệ thống điều khiển, kết nối cuộc gọi, hệ thống báo hiệu được nâng cấp để có thể hòa mạng, tương thích với khoảng 1.000 tổng đài điện tử trên toàn mạng của Việt Nam. Việc này cần được hoàn thành trong một đêm, để hôm sau toàn bộ hệ thống viễn thông của Việt Nam hoạt động bình thường với hệ thống số mới.

Chỉ trong vòng hơn 20 năm, từ khoảng những năm 1972 đến 1996, tính cả đêm đổi số 29-2, rạng sáng ngày 1-3-1996, mạng điện thoại của Việt Nam đã có tới 3 lần phải thêm số. Nhưng thực ra đó vẫn chỉ là những lần thêm số cục bộ ở địa phương, tập trung ở Hà Nội. Năm 1996, trên toàn mạng điện thoại cố định của Việt Nam mới chỉ đạt ở mức 800.000 thuê bao - chưa phải là nhiều so với mạng lưới chúng ta đang có trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, nếu không đổi số, kho số của VNPT sẽ không đủ để đáp ứng tốc độ và nhu cầu phát triển máy điện thoại trong thời gian tới, vì chỉ còn 200.000 số nữa là tổng đài dung lượng 1 triệu số sẽ quá tải. Theo tính toán, việc chuyển từ 6 số lên 7 số cho phép mạng lưới tăng thêm dung lượng 9.000.000 số nữa. Và như vậy, đổi số sẽ đáp ứng được cho nhu cầu phát triển thuê bao của khách hàng trong vòng 15 năm.

Phóng thành công Vinasat-1
5 giờ 17 phút sáng ngày 19-4-2008 đã trở thành mốc son đáng nhớ trong lịch sử viễn thông Việt Nam khi vệ tinh Vinasat-1 được phóng thành công vào quỹ đạo 132 độ Đông. Lần đầu tiên, Việt Nam có tên trên bản đồ vệ tinh không gian thế giới, sở hữu vệ tinh viễn thông riêng của mình. Mặc dù không phải là một vệ tinh “thuần Việt”, bởi được đối tác nước ngoài chế tạo và phóng ở địa phận quốc tế, nhưng vệ tinh Vinasat-1 đã thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của người Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty VTI – doanh nghiệp được giao vận hành và kinh doanh Vinasat-1 cho biết, tính tới thời điểm này, Vinasat-1 đã không chỉ có các khách hàng trong nước mà có cả khách hàng nước ngoài.

Chính thức cung cấp dịch vụ công nghệ 3G
Ngày 12-10-2009, tại Hà Nội, Công ty Dịch vụ Viễn thông, đơn vị chủ quản mạng di động Vinaphone đã chính thức khai trương mạng Vinaphone 3G và trở thành mạng thông tin di động tiên phong ở Việt Nam cung cấp cho khách hàng các dịch vụ thông tin di động trên nền công nghệ 3G. Sự kiện này đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực thông tin di động Việt Nam. Với đường truyền dữ liệu và truy cập Internet tốc độ tối đa lên tới 14.4 Mbps, 3G được kỳ vọng tạo nên một cuộc cách mạng về thông tin di động tại Việt Nam. Lâu nay, người sử dụng các mạng di động chủ yếu chỉ có thể nghe gọi, nhắn tin. Với dịch vụ công nghệ 3G, người dùng sẽ được sử dụng nhiều dịch vụ đa phương tiện tốc độ cao một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi.

Sau VinaPhone, lần lượt các doanh nghiệp nhận được giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông là MobiFone, Viettel và EVN Telecom cũng đã cung cấp dịch vụ tới người dùng. Tính tới thời điểm này, tổng số thuê bao 3G trên toàn Việt Nam đạt hơn 8 triệu thuê bao.

Theo VnMedia

Ý kiến bạn đọc