Multimedia Đọc Báo in

Thác bạc ở đèo Ô Quy Hồ

08:50, 10/08/2013

Thường khi đến Sa Pa, mọi người thường nghĩ ngay đến ruộng bậc thang, những món ăn đặc sản hay lang thang trong lòng thị trấn nhỏ xíu để đắm mình trong mưa bay lất phất hoặc quyện lòng cùng cái lạnh se da. Những điểm đến cho khách tham quan thường được đưa đi bằng đôi chân như bản Cát Cát, núi Hàm Rồng hay ngay cả Tả Vạn, Tả Van. Lý do là khách thường đi bộ mà không leo lên xe trong cuộc hành trình, dẫu đoạn đường cũng phải từ 5-7 km. Có lẽ bởi cảnh sắc Sa Pa đẹp, việc đi bộ là để đôi mắt được no nê với cảnh quan kỳ thú nơi này và cũng để khi trở về khách sạn, món ăn dọn ra rất đơn giản là thịt rừng, rau xào mà ăn đến “đụng đũa, đụng chén”.

Tuy nhiên, đi Thác Bạc thì phải đi xe, chắc chắn thế. Bởi Thác Bạc nằm cách thị trấn Sa Pa chừng 15 km về phía Lai Châu, Điện Biên. Và cuộc hành trình của chúng tôi là đi bằng xe máy, do chính những hướng dẫn viên du lịch chở đi.

Xe tới trung tâm thị trấn, rẽ theo đường đi Lai Châu và chỉ mới đi trên con đường này thôi là lòng đã rộn ràng. Con đường khá tốt vì là đường liên tỉnh, lại là con đường có nhiều xe cộ qua lại. Một bên là núi với rừng thông mướt xanh, một bên là lũng sâu, phong cảnh thay đổi với giàn rau xanh, với những cây hoa có tên hay không có tên cứ rực rỡ màu trắng, vàng, đỏ trong cái nắng dịu dàng… Trên đường đi thỉnh thoảng lại xuất hiện hình ảnh những người dân địa phương trong bộ quần áo truyền thống bước đi thong thả với chiếc gùi trên vai. Đối với người Dao đỏ hay người Mông ở đây, cứ mỗi buổi sáng họ lại đi bộ khoảng 10-15 km, từ buôn làng ra thị trấn, giống như là dạo phố, có lẽ vì thế mà họ rất khỏe mạnh.

Ngắm cảnh trong trạng thái phấn khởi, cho nên khi xe tới chân thác lúc nào chúng tôi cũng không hay. Thế mới biết là đường dài hay ngắn cũng tùy vào tâm trạng con người. Một bãi đất đã được tráng bê tông rộng rãi ngay chân thác, một dãy ki ốt bán hàng lưu niệm, quầy bán nước cũng xếp dọc theo để đón khách. Tuy nhiên, thời gian lưu lại của khách ở Thác Bạc không lâu, nên việc mua bán ở đây cũng không nhiều khách. Có lẽ sợ du khách mỏi chân, ngành Du lịch Sa Pa đã làm một hệ thống bậc thang bằng sắt đưa khách đi từ dưới chân thác lên tận trên đỉnh. Đi như thế nhàn hạ, nhưng lại thiếu đi cảm giác chinh phục và ít nhiều phá đi cảnh quan của ngọn thác đẹp nhất Tây Bắc này.

Thác Bạc là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa, với độ cao 1.800m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ (thuộc xã San Sả Hồ). Nhìn từ dưới lên có thể thấy dòng thác chính cao vời, đổ xuống dòng nước đẹp như từng dòng bạc trắng đang ào ào dội xuống, rồi thác chẻ thêm hai nhánh phụ và nước lại len vào đá mà đổ xuống mênh mang. Và cứ thế, nước chảy theo đá, tung mình từng đoạn, rồi chạm đá, lại trườn xuống cho đến tận cùng bên dưới… Ở nơi này bốn mùa cây xanh, giống như thềm xanh bảo vệ cho ngọn thác. Tiếng nước chảy nghe rào rào giống như một cơn mưa đang tràn về. Người dân địa phương bảo rằng, dẫu xa thế, nhưng những ngày trời trong, từ đỉnh núi Hàm Rồng cách đó hơn 15 km, vẫn có thể nhìn thấy dòng nước chảy. Tôi cũng đã lên Hàm Rồng nhưng khi đó có sương mù nên không thể kiểm chứng được chi tiết này. Đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn khi Sa Pa có tuyết rơi ở đèo Ô Quy Hồ, bởi có năm khu vực thác có tuyết phủ dày tới trên 10cm.

Cuộc chinh phục ngọn thác ở đèo Ô Quý Hồ không vất vả lắm, vì du khách chỉ cần đi theo con đường được làm sẵn. Chỗ thì là bậc cấp dựng cao, chỗ thì lại là một khoảng nền xi măng trống trải cho khách dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cảnh và chụp ảnh. Dẫu dễ dàng như thế, nhưng con đường ẩm thấp, có đôi chỗ để du khách tự leo trèo như tìm chút cảm giác khám phá, chinh phục  nên vẫn có một chút lo ngại. Hôm đó, dẫu đã 10 giờ sáng, nhưng ở Sa Pa vẫn là quá sớm cho một cuộc rong chơi (vì ở đây trời lạnh, công việc thường bắt đầu từ 9 giờ sáng, kể cả việc đi tour, tuyến), nên chúng tôi trở thành những người khách nhỏ bé trong bao la…

Chỉ cần nửa tiếng để đi lên và trở xuống ở Thác Bạc, nhất là vào mùa đông, mây quyện đầy, hay trời bắt đầu có tuyết rơi… Và đây là một cuộc hành trình có thể làm thỏa lòng lữ khách.

Khuê Việt Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.