Multimedia Đọc Báo in

Ứng phó với những biến động tiêu cực của sông Krông Nô trong mùa lũ

14:06, 13/10/2012

Sông Krông Nô (tên gọi gốc là Ea Krông Knô – sông Cha) là một trong hai nhánh chính của sông Sêrêpôk bắt nguồn từ vùng núi cao thuộc dãy Chư Yang Sin phía bắc tỉnh Lâm Đồng, chảy theo hướng Đông Tây sau chuyển hướng Đông Nam, dọc theo ranh giới hai tỉnh Dak Nông và Dak Lak. Lưu vực sông Krông Nô tính đến vị trí nhập lưu với sông Krông Ana (sông Mẹ)  có diện tích hơn 3.000km2, chiều dài lòng sông chính là 175km.

 Được bắt nguồn từ vùng núi cao, nơi có lượng mưa năm từ 2.300 – 2.500mm/năm nên lưu vực Krông Nô có lượng dòng chảy năm khá phong phú (Mô-đuyn dòng chảy trung bình nhiều năm đạt 37,5l/s-km2, cao hơn so với mô-đuyn dòng chảy trung bình toàn Tây Nguyên). Đồng thời, do địa hình lưu vực bị chia cắt mạnh mẽ, lòng sông có độ dốc lớn, nhiều thác gềnh nên dòng Krông Nô không chỉ mang trong mình tiềm năng phát triển thủy điện, du lịch mà còn là nguồn cung cấp lượng nước sinh hoạt cho nhiều vùng dân cư, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng mầu mỡ rộng lớn của các tỉnh Dak Lak và Dak Nông. Mặt khác, dòng chảy lũ của sông cũng đã gây nhiều thiệt hại về của cải vật chất, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường và đời sống sinh hoạt của hàng vạn người dân trong lưu vực sông, nhất là đối với các địa phương ở khu vực sát ven sông.

Trong khoảng thời gian 4 – 5 tháng mùa mưa lũ, dòng nước đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy và khi dâng cao gây ngập lụt những vùng đất rộng tới hàng trăm ha. Cùng lúc đó, các con suối nhỏ là phụ lưu của dòng Krông Nô chảy qua các khe núi có độ dốc lớn, nơi có rừng đầu nguồn bị chặt phá nhiều thường xuất hiện lũ quét, lũ ống đe dọa sự an nguy của đời sống nhân dân và gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tác động xấu tới môi trường. Mùa lũ trên sông Krông Nô thường khởi động từ tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 11. Tuy nhiên cũng có những năm có lũ sớm như đầu tháng 7 năm 2007 và lại có những năm lũ muộn như trận lũ xuất hiện trong tháng 12 năm 2005. Những trận lũ dạng này ít xuất hiện, không phải là lũ lớn nhưng lại thường để lại những hậu quả nghiêm trọng bởi tính bất ngờ của lũ và xuất hiện trong thời kỳ nhiều diện tích cây trồng chưa thu hoạch hoặc mới gieo trồng, sự cảnh giác của mọi người cũng chưa cao như trong mùa lũ chính. Các tháng 9, 10 được coi là thời kỳ cao điểm của mùa lũ trên sông với nhiều trận lũ lớn nhỏ xuất hiện. Chuỗi số liệu quan trắc trong khoảng 30 năm trở lại đây cho thấy trong các tháng 9-10 hằng năm có từ 2-4 trận lũ trung bình và lớn xuất hiện, trong đó có từ 40-50% là lũ lớn và đặc biệt lớn. Cũng có những năm xuất hiện liên tục từ 2-3 trận lũ lớn hoặc đặc biệt lớn liên tiếp nhau nhưng cũng có một số ít năm không xuất hiện trận lũ nào.

Giống như các sông suối khác ở Tây Nguyên, sông Krông Nô không có bờ bao nên khi lũ lên nước tràn ra lấp dần các vùng trũng thấp, đầu tiên là các bãi ven sông rồi lan ra các cánh đồng và khu dân cư. Mức độ ngập lụt phụ thuộc vào mực nước, lượng nước lũ và tốc độ truyền nước lũ. Thông thường, lũ trên sông Krông Nô cũng đồng bộ với lũ trên sông Krông Ana nên mức độ tiêu thoát lũ chậm làm cho thời gian ngập lụt kéo dài. Một điểm khá đặc thù là sông Krông Nô bắt nguồn từ vùng núi cao của tỉnh Lâm Đồng, nơi có chế độ mưa và lượng mưa khác nhiều so với vùng chịu ảnh hưởng lũ lụt của sông nên có một số trận lũ khá bất ngờ và gây nhiều thiệt hại. Nguyên nhân là do mưa sinh lũ tập trung chủ yếu ở phần thượng nguồn, ở đây lại không có trạm đo mưa nên việc nhận biết sớm khả năng lũ xuất hiện rất khó, trong khi ở vùng ngập lụt ít mưa nên người dân cũng chủ quan lơ là, không có sự chuẩn bị tránh lũ.

Để ứng phó với những biến động tiêu cực của dòng nước sông Krông Nô thì biện pháp cần tiến hành hằng năm là nâng cao khả năng phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt sông Krông Nô gây ra. Về chủ quan, công tác này có được thực hiện tốt hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức cảnh giác và khả năng triển khai các biện pháp ứng phó trước thiên tai mưa lũ của các cấp chính quyền, các ban ngành có liên quan và toàn thể nhân dân. Trong đó, việc chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ các mặt, từ khâu theo dõi đề phòng, cảnh báo, dự báo đến sự chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư kỹ thuật và con người, có các phương án cụ thể trong triển khái ứng cứu khi có lũ lụt xảy ra giữ vai trò quyết định. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền cho mọi người dân luôn có ý thức tự giác, chủ động phòng tránh lũ lụt cũng giữ vai trò quan trọng. Nhiệm vụ cảnh báo lũ thường được thực hiện khi có các dấu hiệu xuất hiện các nhiễu động thời tiết có thể  gây ra mưa, sinh lũ như: bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở vùng ven biển Trung Bộ kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong thời kỳ đầu và giữa mùa mưa; không khí lạnh tăng cường mạnh lấn sâu xuống phía Nam hoặc có dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Nam Trung Bộ trong thời kỳ cuối mùa mưa. Đặc biệt lưu ý các nhiễu động do ảnh hưởng kết hợp của các yếu tố như bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng bờ biển Nam Trung Bộ... Thông thường, khi có dấu hiệu hình thành các nhiễu động thời tiết có khả năng cho mưa lũ, các bản tin cảnh báo được phát đi nhằm tạo sự chú ý đề phòng cho mọi người. Bản tin dự báo lũ chỉ được phát chính thức khi đã có mưa và nước lũ bắt đầu xuất hiện trên sông. Do tình hình mưa sinh lũ trên lưu vực khá phức tạp, biến đổi nhiều dưới tác dụng của địa hình trong khi các điểm đo mưa và mực nước trên toàn hệ thống sông lại rất thưa so với tiêu chuẩn cho phép nên công tác dự báo gặp nhiều khó khăn. Các bản tin có độ tin cậy khá trở lên chỉ có thời gian dự kiến (thời gian từ khi phát bản tin đến khi thực tế lũ diễn ra) từ 6-12 giờ. Do vậy, công tác triển khai phòng chống cần phải được thực hiện rất khẩn trương, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thật đầy đủ và có các phương án tối ưu, phải có sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ giữa các cấp các ngành và toàn thể nhân dân mới đảm bảo ứng cứu kịp thời khi lũ lớn xảy ra.

Lũ lụt trên sông Krông Nô có liên quan đến sự an nguy của phần lớn cư dân sinh sống dọc theo sông, tác động trực tiếp tới những vùng sản xuất nông nghiệp chủ đạo của các tỉnh Dak Lak, Dak Nông, đồng thời ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động và mức độ an toàn của các công trình thủy lợi, thủy điện đã và đang được xây dựng trên sông, cùng nhiều tác động khác đến môi trường. Do vậy, cần đề cao cảnh giác và luôn chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống lũ lụt có thể xảy ra nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

 KS. Nguyễn Văn Huy

(Trung tâm Khí tượng Thủy văn Kon Tum)


Ý kiến bạn đọc