Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Vẫn "nóng" tình trạng đốt than gây ô nhiễm môi trường

08:56, 20/09/2019

Dù cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm nhiều lần, song số lò đốt than trên địa bàn xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn vẫn tồn tại, tác động xấu đến môi trường sống của con người cũng như ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi ở đây.

Rẫy của ông Lê Đức Toàn ở thôn Ea M'dhar 2 chỉ cách Tỉnh lộ 1 chưa đến 2 km. Đang giữa mùa mưa nhưng nhiều cây cà phê lá đã héo quắt, quả đang thời kỳ kết nhân lẽ ra phải xanh bóng thì chuyển sang màu vàng đen. Nguyên nhân là do vườn cây chịu ảnh hưởng bởi khí thải của các lò đốt than xung quanh. Sát bên rẫy ông Toàn là khu vực đốt than, củi chất từng đống ngay lối vào lò. Ông Toàn cho biết, các cơ sở này hoạt động từ năm 2014, ban đầu chỉ có 5 - 6 lò, đến nay tăng lên 19 lò. Trước đây ít  nên cũng chưa ảnh hưởng lắm, nhưng hai năm gần đây số lò đốt than tăng nhiều, mỗi khi hoạt động, lượng khí thải ra làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

Nhà ông Toàn có 6 sào rẫy, cà phê đang kinh doanh năm thứ 3, mỗi vụ thu được 1,3 tấn nhân, thu nhập xấp xỉ 40 triệu đồng. "Cả 5 miệng ăn trong gia đình chỉ trông vào đồng tiền thu được từ đám rẫy này. Nay cà phê bị thiệt hại như thế này chắc trắng tay. Nếu các ngành chức năng không xử lý dứt  điểm thì gia đình tôi không biết lấy gì để  sống”, ông Toàn than vãn.

Khu vực đốt than sát bên rẫy ông Lê Đức Toàn ở thôn Ea M'dhar 2.
Khu vực đốt than sát bên rẫy ông Lê Đức Toàn ở thôn Ea M'dhar 2.

Bà H’Quen Hwing, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl cho biết, hiện trên địa bàn xã có 49 lò đốt than, tập trung nhiều nhất ở các thôn Ea M'dhar 1A, Ea M'dhar 2, Ea M'dhar 3 và Hòa Nam. UBND xã đã nhiều lần lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép, xả khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các chủ cơ sở này vẫn cố tình vi phạm nên UBND xã đã bàn giao vụ việc về cho huyện giải quyết.

Theo ông Nguyễn Thế Thành, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Buôn Đôn, trong 49 lò đốt than của 7 cơ sở trên địa bàn xã Ea Nuôl thì chỉ có 1 cơ sở  (có 10 lò đốt than) có Giấy phép hoạt động. Trong 7 cơ sở thì có 2 cơ sở của ông Đỗ Đăng Phụng và ông Nguyễn Văn Dậu có nhiều đơn thư khiếu kiện của người dân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại đến hoa màu. Sau khi nhận được đơn thư khiếu nại của ông Lê Đức Toàn, ngày 17-7, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra điểm đốt than tại thôn Ea M'dhar 2.

Qua kiểm tra cho thấy, các lò không có hệ thống xử lý khí thải; không cung cấp được hợp đồng thuê đất. Đoàn kiểm tra đã gia hạn cho các cơ sở đốt than 2 tháng để xử lý hết số củi tồn tại, sau đó tạm ngừng hoạt động đốt than đến khi có đầy đủ hồ sơ thủ tục; xây lắp hệ thống, xử lý khí thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật trước ngày 31-10-2019. Ông Nguyễn Thế Thành khẳng định, hết thời gian gia hạn mà các hộ đốt than vẫn không hoàn thành những thủ tục theo quy định của pháp luật thì sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động và giải tỏa các lò đốt than trên địa bàn.

Vườn cây cà phê của ông Lê Đức Toàn bị héo úa do khí thải của lò than.
Vườn cây cà phê của ông Lê Đức Toàn bị héo úa do khí thải của lò than.

Mới đây, UBND huyện Buôn Đôn cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động của các lò đốt than trên địa bàn xã Ea Nuôl. Theo đó, trong tháng 9 này, Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; tình hình sử dụng đất, công tác quản lý trật tự xây dựng, giấy phép kinh doanh và công tác quản lý rừng, quản lý lâm sản đối với tất cả các cơ sở đốt than trên địa bàn xã Ea Nuôl, sau đó sẽ tham mưu cho UBND huyện hướng xử lý các cơ sở đốt than theo đúng quy định của pháp luật.

Hy vọng với sự quyết tâm vào cuộc của huyện Buôn Đôn, tình trạng đốt than trái phép trên địa bàn sẽ được giải quyết dứt điểm, bảo đảm cho người dân có môi trường sống trong lành để yên tâm lao động sản xuất.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.