Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung năm 2012) - Kì 1

21:59, 19/10/2013

1. Trong trường hợp pháp luật không quy định hình thức công khai thì việc công khai, minh bạch trong cơ quan, tổ chức được thực hiện như thế nào?

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực hiện một hoặc một số hình thức sau: Niêm yết tại trụ sở làm việc; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử. Ngoài ra, có thể lựa chọn thêm hình thức khác như: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Việc công khai trong trường hợp mua sắm công và xây dựng cơ bản mà pháp luật quy định phải đấu thầu gồm những nội dung gì?

Nội dung phải công khai bao gồm:

- Kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển, mời thầu; danh mục các dự án chỉ định thầu, lý do chỉ định thầu, thông tin về nhà thầu được chỉ định; danh mục các dự án đấu thầu hạn chế, nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, lý do đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu.

- Thông tin về cá nhân, tổ chức là chủ dự án, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý hoặc đối tượng khác vi phạm pháp luật đấu thầu; thông tin về nhà thầu bị cấm tham gia, xử lý vi phạm pháp luật đấu thầu;

- Văn bản quy phạm pháp luật đấu thầu, hệ thống thông tin dữ liệu đấu thầu; báo cáo tổng kết công tác đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của bộ, ngành, địa phương và cơ sở; thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu.

3. Trong quản lý dự án đầu tư xây dựng phải công khai, minh bạch những nội dung gì?

Phải công khai, minh bạch các nội dung: Báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.

4. Việc công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?

Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai các nội dung sau: Vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính; vốn vay ưu đãi; báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán; việc lập và sử dụng quỹ doanh nghiệp; việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; họ, tên, nhiệm vụ, lương, thu nhập khác của người trong Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng.

5. Những nội dung gì phải thực hiện khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch; không được cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp; doanh nghiệp phải công khai báo cáo tài chính, kiểm toán, phương án, kế hoạch cổ phần hóa. Cơ quan cử người đại diện phần vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp có trách nhiệm công khai giá trị doanh nghiệp được cổ phần hóa và việc điều chỉnh giá trị doanh nghiệp (nếu có). Việc bán cổ phần lần đầu phải thực hiện bằng phương thức bán đấu giá.

(còn nữa)

Nguyễn Xuân Thu (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.