Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Kỳ 2)

14:52, 05/11/2017

Câu 5: Trong Luật Trợ giúp pháp lý 2017, khái niệm về trợ giúp pháp lý được ghi nhận có gì khác so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006?

Tại Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý 2006 ghi nhận trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 được ban hành, tại Điều 2 của Luật vẫn bảo lưu cụm từ “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định”, điều này ghi nhận bản chất và đặc điểm của hoạt động trợ giúp pháp lý là cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho cá nhân người được trợ giúp pháp lý; nhưng mục đích của trợ giúp pháp lý đã được quy định ngắn gọn và súc tích hơn so với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2006 đó là: “góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật”. 

Câu 6: Trong Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trách nhiệm của Nhà nước và của các tổ chức xã hội trong công tác trợ giúp pháp lý có điểm gì mới so với trước?

Mặc dù Luật Trợ giúp pháp lý 2006 đã ghi nhận giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước: “Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý”, tuy  nhiên, tại Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã ghi nhận rõ hơn trách nhiệm này, xác định Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, có chính sách nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý; hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Đồng thời quy định rõ về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý tại Điều 5 của Luật bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.

  Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình. Riêng kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của tổ chức tự nguyện thực hiện do tổ chức đó tự bảo đảm.

Câu 7: Cơ chế thực hiện trợ giúp pháp lý tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 ra sao?

Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã phân biệt 2 cơ chế trợ giúp pháp lý rõ ràng, đó là trợ giúp pháp lý do Nhà nước tổ chức thực hiện và dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội. Theo đó, hoạt động trợ giúp pháp lý do Nhà nước tổ chức thực hiện cần tuân theo các quy định của Luật này về đối tượng trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện, hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý,…; các tổ chức, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý cần bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Việc tham gia trợ  giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và đăng ký tham gia trợ  giúp pháp lý. Các tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc.

Như vậy, việc cung cấp dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội theo Luật Luật sư và theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật, không phải thực hiện theo quy định của Luật này.

 Câu 8: Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý được Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định ra sao?

Tại Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định 4 nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, đó là:

1. Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

2. Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

3. Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

4. Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, 4 nguyên tắc này về cơ bản giữ nguyên như Luật Trợ giúp pháp lý 2006, tuy nhiên đưa yếu tố tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý lên đầu tiên và bổ sung yếu tố kịp thời, độc lập bên cạnh yếu tố trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; sửa quy định về nguyên tắc không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được trợ giúp pháp lý thành nguyên tắc không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.

(Còn nữa)

Phạm Thị Minh Phương

(Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.