Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Quốc phòng (kỳ 4)

18:04, 17/02/2019

Câu 16. Nhà nước có những chính sách gì về quy hoạch, xây dựng dành cho công nghiệp quốc phòng, an ninh?

Theo quy định tại Điều 12 Luật Quốc phòng, Nhà nước có những chính sách sau:

- Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc thù, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh; huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; đầu tư có trọng điểm cho vũ khí, trang bị công nghệ cao; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.

- Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Câu 17. Phòng thủ dân sự là gì?

Theo Khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng thì phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Câu 18. Phòng thủ dân sự bao gồm những nhiệm vụ gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Quốc phòng thì nhiệm vụ của phòng thủ dân sự bao gồm:

- Xây dựng cơ chế hoạt động, kế hoạch phòng thủ dân sự;

- Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập;

- Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự;

- Xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, nghiên cứu dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động;

- Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự.

Câu 19. Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm những lực lượng nào?

Theo khoản 3 Điều 13 Luật Quốc phòng thì lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm:

- Lực lượng nòng cốt gồm dân quân tự vệ; công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của quân đội nhân dân, công an nhân dân và các bộ, ngành trung ương, địa phương;

- Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

Câu 20. Đối ngoại quốc phòng nhằm mục đích gì?

Theo quy định tại Điều 14 Luật Quốc phòng thì đối ngoại quốc phòng để thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Câu 21. Những nhiệm vụ chính của đối ngoại quốc phòng là gì?

Khoản 2 Điều 14 Luật Quốc phòng quy định những nhiệm vụ chính sau:

- Thiết lập, phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia có chủ quyền và các tổ chức quốc tế;

- Xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế; thực hiện đối thoại về quốc phòng; xây dựng, củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết giữa quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước trên thế giới;

- Tham gia xây dựng và thực thi các cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và toàn cầu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển;

- Thông tin đối ngoại về quốc phòng.

Câu 22. Việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng thì kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

Câu 23. Nhiệm vụ của kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng được quy định như thế nào?

   Khoản 2 Điều 15 Luật Quốc phòng quy định những nhiệm vụ chính sau:

- Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ;

- Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc;

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

- Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được Bộ Quốc phòng cho ý kiến, tham gia thẩm định theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng theo quy định của luật có liên quan;

- Một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.

(Còn nữa)

Hoàng Trọng Kiên (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.