Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về nữ chiến sĩ biệt động thành

08:13, 30/04/2021

Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Ban hành chính Báo Công an TP. Hồ Chí Minh là khách mời đặc biệt trong chương trình Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2021) do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây.

Phan Thị Ngọc Tươi năm 13 tuổi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phan Thị Ngọc Tươi năm 13 tuổi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sự xuất hiện của nữ cựu tù kiên trung trong bộ quân phục giản dị, giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng, đậm chất quê hương Đồng Khởi - Bến Tre đã thu hút sự chú ý của đoàn viên, thanh niên tiêu biểu toàn lực lượng Công an tỉnh trong suốt buổi gặp mặt.

Mở đầu câu chuyện, Đại tá Ngọc Tươi xúc động nói: “Xin cho tôi dành một phút tưởng niệm Thủ trưởng Ty, hai Tiểu đội trưởng Văn Chiến và Năm Trãi đã dành cho tôi được sống… Sự có mặt của tôi hôm nay là thay mặt cho những đồng đội đã nằm xuống kể lại câu chuyện lịch sử hào hùng cho thế hệ sau và mong muốn tìm được những “ân nhân” đã giải vây cho mình trong các trận đánh ở miền Nam".

Đại tá Ngọc Tươi sinh ra trong một gia đình cách mạng ở xã Sơn Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Năm 1969, bà tham gia Đội Trinh sát vũ trang mật - T30 thuộc Ban An ninh Bến Tre (nay là Công an tỉnh Bến Tre) dưới sự chỉ huy của Thủ trưởng Phạm Văn Ty (bí danh Bảy Cường). Dù lực lượng mỏng, T30 vẫn trực tiếp, phối hợp với các đơn vị chiến đấu trong tỉnh Bến Tre và khu vực lân cận khiến quân địch khiếp sợ. Hồi ấy, khi nhắc đến T30 là lính ngụy bạt vía, kinh hồn. Riêng Ngọc Tươi, sau một năm tham gia T30, dưới sự chỉ huy của Thủ trưởng Ty, chiến công đã nhiều hơn số tuổi vì đã tiêu diệt lính ngụy ở các mặt trận: Mỹ Tho, Bến Tre, Sài Gòn - Gia Định…

Trong số nhiều trận đánh đã tham gia, đại tá Ngọc Tươi nhớ như in trận đánh vào Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa (nội đô tỉnh Bến Tre), nơi thi hành các đòn tra tấn dã man của bọn cảnh sát ngụy diễn ra ngày 12-6-1972 do mình chỉ huy. Trận đánh hôm ấy đó có 8 chiến sĩ tham gia, được chia làm 3 mũi giáp công; trong đó 2 mũi giáp công do Tiểu đội trưởng Văn Chiến và Năm Trãi phụ trách, còn một mũi giáp công do Ngọc Tươi phụ trách. Mặc dù chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhưng do lực lượng mỏng nên khi bị địch huy động quân lính bao vây, Ngọc Tươi quyết định ở lại chặn địch để đồng đội rút lui, vượt khỏi vòng vây an toàn. Ngọc Tươi đã bị bắt khi quả lựu đạn cuối cùng trên tay rơi xuống nhưng không nổ, lúc này cô vừa tròn 16 tuổi.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi (giữa) chụp hình lưu niệm cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Hà Nội năm 2011. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi (giữa) chụp hình lưu niệm cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Hà Nội năm 2011. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi đã dùng máu của mình viết lên tường xà lim nhà tù Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa hai câu thơ bất hủ “Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc/ Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành”. Đại tá Ngọc Tươi là nguyên mẫu một trong hai nữ biệt động Sài Gòn trong bộ phim Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân.

Liên tục bị tra tấn, thẩm vấn ở Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa không biết bao nhiêu lần, Ngọc Tươi bị cảnh sát ngụy đánh rồi mang đi diễu hành, thị uy khắp nơi từ thị xã Bến Tre về xã Sơn Hòa nhưng không khai thác được gì. Những tên cảnh sát ngụy đã bẻ gãy ngón tay trỏ bên phải của Ngọc Tươi. Sau đó, tiếp tục đưa Ngọc Tươi qua nhà giam Khám Lá dùng nhục hình, rồi chuyển lên Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt (nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi ở khắp miền Nam). Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, do Ngọc Tươi còn tuổi vị thành niên nên địch buộc phải thả ra, nhưng vẫn cho mật thám bám sát 24/24 giờ. Được đơn vị rút ra vùng giải phóng, vừa chống chọi với bệnh tật, Ngọc Tươi vừa học và công tác tại quân y dã chiến Ty An ninh cho đến ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, ý chí kiên cường, luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ trong tù ngục, năm 2010 Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Giờ đây, mỗi khi kể lại chuyện của những năm tháng đau thương mà anh dũng ấy, Đại tá Ngọc Tươi không ngăn được những giọt nước mắt - đó mãi là miền ký ức khắc cốt, ghi tâm về một thời tuổi trẻ cống hiến hết mình cho cách mạng.

Câu chuyện người thật - việc thật của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Ngọc Tươi giúp đoàn viên, thanh niên tiêu biểu Công an tỉnh hiểu sâu sắc thêm về truyền thống, phẩm chất trung thành với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, dấn thân quên mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc