Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối thảm họa thế kỷ

14:56, 26/07/2021
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn dai dẳng trên đất nước ta bởi vết thương mang tên “chất độc da cam” đang ngày đêm hành hạ nhiều thân xác, đè nặng lên cuộc sống của hàng triệu gia đình và âm ỉ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Thảm họa thế kỷ

Sau thất bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, đồng thời làm bàn đạp tiến công miền Bắc và ngăn chặn làn sóng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa lan tràn ở Đông Nam Á, bắt đầu từ cuối năm 1960, Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” tiến hành bởi quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng sự chi viện vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và đặt dưới sự chỉ huy của Mỹ, nhằm chống lại phong trào cách mạng của nhân dân ta.

Ngày 15-1-1961, Tổng thống Mỹ Kennedy đã tuyên bố dùng chất diệt cỏ (dioxin) để làm trụi lá cây rừng, kiểm soát, ngăn chặn quân Bắc Việt đang vượt giới tuyến hành quân thần tốc vào miền Nam trên đường Hồ Chí Minh. Thực hiện mưu đồ đó, ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở khắp miền Nam Việt Nam.

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam.  Ảnh tư liệu
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu

Việc sử dụng chất độc da cam/dioxin ở chiến trường miền Nam trong suốt 10 năm đã gây ra hậu quả cực kỳ man rợ, không chỉ hủy hoại môi trường sinh thái mà còn gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ở các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề như dọc miền Trung – Tây Nguyên, một lượng khổng lồ chất độc hóa học đã được rải xuống khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, nhiều cánh rừng bị hủy diệt, khô cháy và trơ trụi, hoang tàn, chết chóc… Chất độc hóa học đã tác động lên 28 lưu vực sông suối ở miền Trung, phá hủy từ 30 – 50% diện tích rừng tự nhiên, để lại những tổn thất và thảm họa vô cùng nghiêm trọng cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Thảm họa chất độc hóa học da cam/dioxin mà Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam đã được các nhà khoa học hàng đầu thế giới lên án gay gắt: “Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất, độc ác và tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại ở miền Nam Việt Nam” và “Việc sử dụng chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam là một tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại. Hậu quả của hành động đó có thể tồn tại qua nhiều thế hệ”.

Nỗi đau không dứt

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng thảm họa chất độc da cam/dioxin đã cướp mất sự bình yên và để lại nỗi đau không dứt cho hàng triệu gia đình người Việt. Biết bao người lính sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng trở về đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, mang trong mình vết thương không mảnh đạn nhưng âm ỉ nhói đau đến tận cùng của sự cơ cực. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Việt Nam có gần 4 triệu người bị phơi nhiễm chất độc dioxin, trong đó gần 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân.

Thảm họa da cam thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều thế hệ người Việt sau chiến tranh, khiến hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang hằng ngày vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Đặc biệt, nhiều người lính đi qua chiến tranh đã không được hưởng hạnh phúc gia đình, không được làm cha, làm mẹ vì họ bị vô sinh bởi di chứng từ chất độc da cam/dioxin. Hay có nhiều gia đình đang nặng trĩu nỗi buồn đau vì tất cả các con/cháu họ sinh ra đều bệnh tật, thậm chí không thành người bình thường, là những đứa trẻ mang hội chứng Down, dị dạng, bại não, câm, điếc, tâm thần, bại liệt, quặt quẹo, sống đời sống thực vật… Họ phải hằng ngày, hằng giờ vật lộn với những căn bệnh quái ác. Họ sống trong đau khổ tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, chết dần chết mòn trong vô vọng.

Chỉ trong 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ máy bay phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam.

Nguyễn Đình Dũng

 


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.