Multimedia Đọc Báo in

Dân tộc Cơ-tu

10:55, 13/06/2011

Dân tộc Cơ-tu ở nước ta có gần 50.000 người, cư trú tại các huyện Hiên, Giằng (Quảng Nam), A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Dân tộc này còn có những tên gọi khác: Ca-tu, Cao, Hạ, Phương, Ca-tang. Tiếng nói của dân tộc Cơ-tu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer. Đồng bào tin vào Giàng (thần) và cúng tế các Giàng.

Làng định cư của người Cơ-tu ở huyện Hiên
Làng định cư của người Cơ-tu ở huyện Hiên
Sinh sống trên vùng Trường Sơn hiểm trở, người Cơ-tu trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, chọc lỗ tra hạt. Các hoạt động kinh tế khác gồm có chăn nuôi, dệt, đan lát, hái lượm, đánh cá, săn bắn và trao đổi hàng hóa theo cách vật đổi vật.
Trong làng người Cơ-tu, các nếp nhà sàn bố trí theo hình vành khuyên hoặc gần giống thế. Ngôi nhà rông cao, to, đẹp hơn cả, là nơi tiếp khách chung, hội họp, cúng tế, tụ tập chuyện trò vui chơi.
Trang phục của người Cơ-tu
Trang phục của người Cơ-tu
Theo tập quán trang phục cổ truyền của dân tộc Cơ-tu, đàn ông đóng khố, cởi trần, đàn bà mặc váy áo. Mùa lạnh họ khoác tấm vải quanh mình. Đồ trang sức phổ biến là vòng tay, vòng cổ, khuyên tai. Các phong tục xăm mặt, xăm mình, cưa răng, đàn ông búi tóc sau gáy đã dần được loại bỏ.
Học sinh Cơ-tu cùng bạn bè
Học sinh Cơ-tu cùng bạn bè
Người Cơ-tu theo chế độ phụ hệ, con lấy họ theo cha, chỉ con trai mới được thừa hưởng gia tài. Mỗi dòng họ người Cơ-tu đều có tên gọi riêng, người trong họ phải kiêng cữ một điều nhất định. Có chuyện kể về lai lịch của dòng họ và sự kiêng cữ đó. Lúc sống, dòng họ có trách nhiệm cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau, khi chết được chôn cất bên nhau trong bãi mộ chung của làng. Nhà mồ của người khá giả làm to đẹp, được vẽ và chạm khắc tượng cầu kỳ. Đồng bào không có tục cúng giỗ, tảo mộ.
Trang phục ngày hội của người Cơ-tu
Trang phục ngày hội của người Cơ-tu
Theo tập tục Cơ-tu, khi người họ này đã có vợ họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ họ này, mà phải tìm ở họ khác. Tập tục người Cơ-tu cho phép khi chồng chết, vợ có thể lấy anh em chồng, khi vợ chết, chồng có thể lấy em hay chị vợ. Việc kết hôn thường mang tính gả bán, và sau lễ cưới cô dâu đến ở nhà chồng. Chế độ một vợ một chồng phổ biến, nhưng cũng có một số người khá giả lấy hai vợ.
Hàng năm, người Cơ-tu có nhiều lễ cúng lớn, nhỏ nhằm cầu xin các thần linh phù hộ mọi sự may mắn, tốt lành, nhất là đối với việc làm rẫy. Nhiều lễ cúng của từng gia đình, nhưng cũng có các lễ cúng của làng, tiêu biểu là lễ đâm trâu do cả làng thực hiện.

Đ.T (Giới thiệu)

Nguồn Việt Nam hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc - NXB Văn hóa dân tộc


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Dân tộc Cờ Lao
10:31, 09/06/2011
Dân tộc Cờ Lao
10:31, 09/06/2011
Dân tộc Cơ-ho
09:13, 08/06/2011
Dân tộc Cơ-ho
09:13, 08/06/2011
Dân tộc Cống
15:30, 07/06/2011
Dân tộc Cống
15:30, 07/06/2011
(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.