Multimedia Đọc Báo in

Người nặng lòng với văn hóa truyền thống của buôn làng

10:04, 28/12/2016

“Hằng năm, khi kết thúc mùa rẫy, chủ bến nước cùng các vị chức sắc trong buôn họp bàn chuẩn bị lễ cúng bến nước để tạ ơn thần linh đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa gió thuận hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau, mọi người trong buôn được khỏe mạnh. Khâu chuẩn bị được bắt đầu từ 1-2 tháng trước đó như: ủ rượu, chọn heo thiến, gà trống, gạo...”, những kiến thức, hiểu biết về các nghi lễ, phong tục tập quán trong văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa đã được ông Y Kô Niê, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh say sưa kể lại bằng các câu chuyện sinh động, như “thôi miên” người nghe.

Vốn hiểu biết phong phú ấy được ông tích lũy với niềm đam mê qua thời gian nhiều năm công tác ở ngành Văn hóa. Sinh năm 1962, là người con của quê hương M’Đrắk, Y Kô Niê đi lên từ các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương. Vốn là người đa tài, có năng khiếu đàn hay, hát giỏi, biết biên tập, viết kịch bản, ông được tuyển vào làm công tác ở Phòng Văn hóa – Thông tin huyện M’Đrắk từ năm 1986. Đến năm 1994, ông chuyển về công tác tại Nhà Thông tin triển lãm (trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin trước đây). Giai đoạn sau đó ông kinh qua nhiều vị trí, công việc ở các đơn vị trong ngành Văn hóa: từ tham gia biểu diễn văn nghệ quần chúng đến vẽ tranh cổ động trực quan, rồi quản lý đội múa rối, viết kịch bản dàn dựng cho đội thông tin lưu động, viết nhạc... Từ năm 2008 đến tháng 11-2015, ông được giao nhiệm vụ làm Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch), và cũng từ đó niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian trong ông như được khơi dậy, đánh thức. Ông tâm sự: “Lúc đầu về làm công tác này mình cũng lo lắm, bởi trước đó tuy đều công tác trong ngành nhưng lại chưa từng nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian bao giờ. Khoảng những năm 2001-2005, tuy có tham gia Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch, xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện, nhưng mình chỉ tham gia ở góc độ dịch thuật, chứ không đi điền dã, sưu tầm. Nhưng rồi do niềm đam mê và có lẽ một phần mình là người con của buôn làng nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi, có sẵn chút hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình, lại được bà con, các nghệ nhân tin tưởng nên đã kể lại, hát lại cho mình nghe và ghi chép, thậm chí còn gọi các nghệ nhân khác đến nữa để giới thiệu cho mình...”.

Y Kô Niê, Phó Giám đốc Trung tâm  Văn hóa tỉnh.
Y Kô Niê, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Qua thời gian gần 30 năm làm công tác trong ngành Văn hóa, đặc biệt là gần 10 năm trực tiếp làm công tác quản lý nghiệp vụ văn hóa, ông đã có biết bao nhiêu chuyến đi điền dã, đặt chân đến nhiều buôn làng và gặp gỡ nhiều nghệ nhân. Cũng từ những chuyến đi ấy, từng lời nói vần, từng câu chuyện cổ dân gian, từng lời cúng, từng phong tục tập quán đều được ông cẩn thận, tỉ mỉ ghi chép lại rồi cần mẫn biên dịch. Ông đã cùng đồng nghiệp tham gia nghiên cứu, phục dựng nhiều lễ hội và xuất bản các tập sách về văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, được giới chuyên môn đánh giá cao. Có thể kể đến như: các tập sách “Lời nói vần của dân tộc Êđê”, “Truyện cổ dân gian Êđê”, “Lễ cúng bến nước của dân tộc Êđê tỉnh Đắk Lắk”, “Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông Gar”... và các phong tục được phục dựng như: cúng sức khỏe cho voi, cúng cầu mùa, cúng sức khỏe, cúng thần lúa, cúng cầu mưa...

Nói về công việc của mình, ông không nhận về mình thành tích riêng mà luôn nói đó là công sức của tập thể. Ông Y Kô tâm sự: “Tất cả những kết quả đó đều là công sức của tập thể. Bởi để tiến hành việc sưu tầm, phục dựng một số nghi thức, lễ hội dân gian truyền thống không phải việc làm đơn giản mà cần tiến hành trình tự theo các bước: Tìm gặp già làng, thầy cúng, chủ bến nước, trưởng buôn cùng các nghệ nhân am hiểu về nghi thức, lễ hội dân gian truyền thống để ghi chép lại trình tự, quá trình tiến hành lễ hội, cũng như ghi chép lại các bài cúng. Sau khi có được các bản ghi chép từ nhiều nguồn, chúng tôi mới bắt đầu hoàn chỉnh lại và bổ sung cho đầy đủ, thích hợp với không gian hiện tại. Khi có “kịch bản” là tiến hành vận động người dân ở buôn làng tham gia tổ chức lễ hội; rồi tổ chức việc “ôn luyện” các công việc liên quan: các bài chiêng, nghi thức uống, mời rượu cần, lễ vật hiến sinh, các món ăn dân gian đặc trưng cho lễ hội, các diễn xướng dân gian... Những công việc đó nếu chỉ có một vài người thì khó có thể làm được, mà cần có sự chung tay, giúp sức của địa phương, các cơ quan, đoàn thể và cả người dân nữa. Tương tự, để xuất bản được tập sách “Lời nói vần của dân tộc Êđê”, chúng tôi cũng tiến hành tổ chức các nhóm điền dã , phối hợp với các địa phương tổ chức điều tra, sưu tầm lời nói vần. Qua đó chúng tôi đã gặp rất nhiều nghệ nhân (khoảng gần 60 người), ghi âm được gần 20 giờ với 10 băng cassette (120 phút/băng), dịch ra 126 trang A4 song ngữ Êđê – Việt... Với khối lượng công việc tương đối nhiều như thế thì một người không thể làm được, mà phải là tập thể. Và niềm vui với người làm công tác này đó là các lễ hội được phục dựng thành công, các tập sách, hình ảnh, băng đĩa... đến được tay người dân, được bà con yêu thích, qua đó gìn giữ, thêm yêu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình...”.

Điều làm ông luôn trăn trở là, hiện nay do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ bị mai một; đặc biệt là sự phá vỡ các mối liên kết từ nội lực bên trong của các chủ thể văn hóa đó là cộng đồng người: hai thế hệ lớp trẻ - người già không có sự kết nối; không gian văn hóa, các quan niệm về thẩm mỹ trước đây nay đã dần biến mất, không còn nữa; các giai tầng xã hội cũng không còn giống như trước (chủ bến nước, thầy cúng, già làng...). Để gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thì quan trọng nhất là việc phát huy từ nội lực bên trong của cộng đồng người, chứ còn sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phục dựng các lễ hội... cũng chỉ là tác nhân bên ngoài, chỉ góp được phần nào đó vào công tác bảo tồn, gìn giữ mà thôi. Do vậy, làm thế nào để tuyên truyền, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng, để họ tự nhận thấy việc gìn giữ, bảo tồn là việc của chính bản thân mình và thực sự “sống” cùng các nét văn hóa ấy thì mới phát huy được các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.