Multimedia Đọc Báo in

Tín ngưỡng dân gian của người Xêđăng vùng núi Quảng Nam

08:24, 01/06/2019

Đồng bào Xêđăng vùng núi Quảng Nam chủ yếu sinh sống tại 3 xã: Trà Cang, Trà Nam và Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My.

Bà con chủ yếu dựa vào các thung lũng ruộng bậc thang, trồng trọt và canh tác nương rẫy xung quanh plơi (làng); đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những gì không giải thích được, đồng bào đều xem đó là các đấng siêu nhiên, thần linh; từ đó duy trì nhiều nghi lễ, tín ngưỡng dân gian đặc sắc cầu mong cuộc sống yên lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

Cũng như các dân tộc anh em khác sinh sống ở Tây Nguyên, đồng bào Xêđăng có những lễ thức dân gian truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lao động sản xuất được tổ chức theo chu kỳ của mùa làm rẫy trong một năm. Theo quan niệm của người Xêđăng, mùa lao động sản xuất được báo hiệu bằng tiếng sấm đầu năm. Nếu tiếng sấm phát ra trước khi con chim klang pong kêu thì năm đó thế nào cũng mất mùa, dân làng thường thiếu ăn, nhiều bệnh tật đến với con người và cả gia súc. Còn nếu tiếng sấm phát ra sau khi con chim klang pong kêu và chúng ríu rít gọi đàn về đậu trên những cây cổ thụ xung quanh làng, làm tổ đẻ trứng thì năm đó thế nào cũng được mùa...

Đồng bào Xêđăng thực hành nghi lễ trong lễ cúng máng nước của làng.
Đồng bào Xêđăng thực hành nghi lễ trong lễ cúng máng nước của làng.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Xêđăng, Thần lúa (Sơri) dường như đóng vai trò quan trọng nhất. Đồng bào cho rằng, mỗi mùa rẫy, việc sản xuất thuận lợi, lúa, ngô đầy kho là do Thần lúa ban tặng; nếu mùa màng thất thu, lúa ngô cho ít hạt là do Thần lúa giận hờn hay trách dân làng có những lời xấu đối với Thần Sơri. Vì vậy, đồng bào Xêđăng nơi đây có tục ăn mừng lúa mới với nghi thức rước hồn lúa diễn ra khá long trọng. Mỗi plơi (làng) của người Xêđăng thường có từ 15 - 20 nóc nhà và mỗi nóc thường có từ 8 - 10 gia đình cùng sinh sống. Họ ở nhà sàn, mái thấp, lợp bằng lá nón; nhà ở thường gần nhau, xen vào giữa là những kho thóc của từng gia đình. Mỗi plơi bao giờ cũng có một ngôi nhà sàn dựng ở giữa plơi làm nơi tập hợp vui chơi của mọi người trong plơi, cũng là nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống.

Bà chủ nóc là người duy nhất lo liệu các lễ thức liên quan đến hồn lúa. Cũng có những nơi, công việc đó do ông chủ nóc hay những người già có kinh nghiệm mà sức khỏe còn tốt, am hiểu phong tục tập quán đảm nhận. Đồng bào Xêđăng huyện Nam Trà My quan niệm rằng: Hồn lúa thường trú ngụ vào một giống lúa xưa nhất; giống lúa ấy được trồng riêng vào một mảnh đất thiêng trên rẫy. Bà chủ nóc tự tay trồng, chăm sóc và mang về để dùng vào lễ cơm mới trong dịp suốt lúa; số còn lại được giữ trong kho ở một vị trí đặc biệt. Khi cất giữ hồn lúa ở kho nên chọn ngày trăng tròn; bà con kiêng đưa hồn lúa hoặc tổ chức các nghi lễ vào các ngày chẵn (họ cho đó là những ngày xấu). Những tháng nghỉ ngơi sau vụ thu hoạch (tháng ninh nơng), đến ngày có tiếng sấm đầu năm, Thần sấm sét gọi Thần lúa thức dậy, cả làng lại bắt tay vào sản xuất.

Khi thu hoạch, tục căng dây đưa hồn lúa về kho được đồng bào Xêđăng tổ chức chu đáo. Những nơi qua suối đều phải bắc cầu (cầu tượng trưng cho hồn lúa đi); ở những ngã ba phải cắm hoa làm dấu chỉ đường cho hồn lúa, khi đến kho, cũng phải bắc cầu cho hồn lúa lên, sửa soạn chỗ nghỉ chu đáo cho hồn lúa trong kho thóc. Đồng bào phải bảo vệ không để lúa dính nước khi tiến hành các nghi lễ.

Mùa thu hoạch xong, sau lễ ăn cơm mới, người Xêđăng chuẩn bị cho những tháng nghỉ ngơi. Trong những tháng đó, đồng bào đỏ lửa lò rèn tranh thủ rèn các công cụ phục vụ sản xuất. Hoặc nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ngày ở làng này, đêm sang làng khác, dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng. Mọi người vui say và quên đi những ngày lao động mệt nhọc. Họ hò reo, ca hát, đánh cồng chiêng cầu mong mùa màng sang năm tốt tươi, lương thực sẽ thừa thãi như trong lễ hội này.

Vào những ngày trăng tròn tháng ba, đồng bào Xêđăng ở vùng Nam Trà My có tục tổ chức sửa sang máng nước và làm lễ cúng máng nước, cầu mong cho cả làng bước vào một năm mới no ấm hơn. Máng nước tượng trưng cho sự sống của cả làng. Cúng máng nước là một hình thức củng cố cộng đồng làng, các con cháu đi làm ăn xa, những người đi lấy chồng hay ở rể các làng xa đều về họp mặt. Họ tổ chức ăn uống chung ở nhà rông rồi về lại theo từng nóc. Sau đó, cả làng dành ba ngày đi kiếm cá, hái rau, đánh chuột, chim, sóc, đặt bẫy chim thú... Theo truyền thống, mỗi nhà có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ống cơm lam và mang theo rượu cùng với các thứ săn bắt, hái lượm được đến nhà rông. Cả làng chứng kiến chủ làng cúng Thần làng và các thần linh khác, cầu xin cho mọi người được khỏe mạnh, mùa màng năm tới bội thu, gia súc phát triển.

Đồng bào Xêđăng có tục khi lập làng mới thường trồng cây gạo bởi quan niệm cây gạo tượng trưng cho sự trường sinh bất tử, có thần linh trú ngụ; cột lễ đâm trâu của họ cũng thường là cây gạo. Tới làng của người Xêđăng, nếu có nhiều cây gạo to là đồng bào đã cư trú ở đó lâu đời. Cây gạo cũng tượng trưng cho quê hương xưa của tổ tiên người Xêđăng.

Tục ăn trâu của đồng bào Xêđăng vùng Trà My Quảng Nam thường được tổ chức vào các tháng nghỉ ngơi, những ngày đầu xuân. Đồng bào nuôi trâu để cày, trao đổi và sử dụng vào việc cúng tế. Đối với đồng bào Xêđăng, trâu là con vật để hiến tế, cũng là biểu tượng của sự giàu có.

Đến nay, những tín ngưỡng dân gian của đồng bào Xêđăng vẫn tồn tại cùng các lễ thức dân gian trong các lễ hội cổ truyền, phản ánh đậm nét nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng cư dân từ bao đời nay lấy kinh tế nương rẫy làm phương thức sản xuất chính của mình.

Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.