Multimedia Đọc Báo in

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về 4 nhóm vấn đề

15:03, 18/03/2024

Trong khuôn khổ chương trình phiên họp thứ 31, sáng 18/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Tham dự phiên chất vấn, tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Về phía Quốc hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; cùng các đồng chí Ủy viên UBTVQH, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiêm nhiệm ở Trung ương, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, các đồng chí Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước. 

Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân; các vị ĐBQH của tỉnh công tác tại địa phương; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần này được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin và đề xuất của các đoàn ĐBQH, ý kiến của các vị ĐBQH, rà soát phạm vi là chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 và các kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn tạo điều kiện cho tất cả các bộ trưởng ngành đều được tham gia trả lời chất vấn. UBTVQH đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

Lưu ý thời gian chất vấn chỉ trong một ngày, để bảo đảm sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH đặt câu hỏi rõ ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao theo quy định. Đồng thời, đề nghị các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những vấn đề ĐBQH nêu; đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất căn cơ lâu dài đối với từng nội dung được chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, lĩnh vực quản lý, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đặt vấn đề: Luật Giá số 16 được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Được biết, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu và dự thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Giá. Để Luật Giá đi vào cuộc sống, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo quy định của pháp luật về giá thì việc định giá hàng hóa, dịch vụ hiện nay được thực hiện như thế nào? Vai trò quản lý của các bộ, ngành và UBND tỉnh sẽ được thể hiện như thế nào?

đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Vai trò của UBND tỉnh, của các bộ ngành được phân định rất rõ tại Luật Giá. Ở Trung ương, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ trong quản lý nhà nước về giá; đối với những mặt hàng thuộc các chuyên ngành, thì các bộ chuyên ngành sẽ có vai trò trực tiếp quản lý về giá. Về UBND tỉnh thì quản lý về giá trong phạm vi chức năng của mình và các sở, ngành của tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để quản lý về giá, những mặt hàng nào Nhà nước định giá, những mặt hàng nào bình ổn giá… 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm. 

Trả lời câu hỏi về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số vụ án hình sự. Theo Bộ trưởng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.

Về công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Về vấn đề bán vé qua đại lý xổ số, Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 64 công ty xổ số, đều đang hoạt động tương đối tốt, có lãi. Tuy nhiên, vấn đề bất cập có xảy ra ở một số công ty đại lý xổ số, đặc biệt là các đại lý xổ số phía Nam, khi các công ty này không nhận lại tiền của các đại lý mua xổ số không bán được. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục siết chặt quản lý vấn đề này, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn. Bộ trưởng cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường, siết chặt công tác quản lý, xử lý ngay các sai phạm.

Về giá giao thông, giá xây dựng, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, giá này thấp hay cao là do hai yếu tố: yếu tố từ định mức kinh tế kỹ thuật và yếu tố từ nguyên liệu, nhân công đầu vào. Về vấn đề này, Chính phủ sẽ có chỉ đạo, các bộ ngành liên quan sẽ có trách nhiệm rà soát và điều chỉnh cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi chất vấn về xếp hạng tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hoạt động xếp hạng tín nhiệm, cấp phép cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng đối với nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Khi có nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, sẽ tạo nên sự tin tưởng từ các doanh nghiệp nước ngoài, thu hút được nguồn vốn FDI đối với thị trường tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta mới có 3 tổ chức được xếp hạng tín nhiệm, trong đó có 2 tổ chức có cổ phần của 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng của thế giới. Bộ Tài chính khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, giấy phép để thành công ty xếp hạng tín nhiệm. Các công ty này đóng vai trò như trọng tài, phải đánh giá một cách đúng đắn, kỹ lưỡng, khách quan, chính xác, tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực để đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quan tâm đôn đốc, triển khai công việc trong vấn đề này. 

Về luồng xanh trong xuất nhập khẩu, Bộ trưởng cho biết, đối với luồng xanh, chúng ta thực hiện gần như thông quan tự động, các hồ sơ được chuyển theo dạng điện tử, hàng hóa không bị kiểm tra, nên tốc độ thông quan rất nhanh. Điều này thể hiện chúng ta đang đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thông quan cho các doanh nghiệp. Nhưng cũng không thể loại trừ các trường hợp doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa không đúng quy định vào đất nước. Bộ Tài chính đã áp dụng khoa học công nghệ trong xác định luồng hàng, sử dụng hệ thống camera, lực lượng tình báo tài chính, phân tích dữ liệu để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng luồng xanh để đưa hàng không đúng quy định vào nước ta...

Trả lời về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua ngành hải quan đã nỗ lực thực hiện chống buôn lậu và gian lận thương mại. Năm qua đã bắt được trên 15.000 vụ và xử lý với giá trị khoảng 12.000 tỉ đồng, trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan điểm tra gần 200 vụ. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát, thông tin tình báo từ sớm, từ xa. Sử dụng hệ thống máy soi, phân tích dữ liệu… phát hiện từ sớm và xử lý; đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan biên phòng, công an để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý, bắt giữ và lập các chuyên án để xử lý nghiêm minh vi phạm…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.