Multimedia Đọc Báo in

Nhà thơ Tố Hữu nhớ về Tổng Bí thư Lê Duẩn

07:28, 07/04/2024

Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 10/7/1986) qua đời được khoảng một năm, năm 1987, vào dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông, nhà thơ Tố Hữu đã xúc cảm viết bài thơ “Nhớ về Anh” để tưởng niệm một trong những nhà cách mạng Việt Nam xuất sắc ở thế kỷ 20.

Bài thơ sử dụng thể thơ tự do với nhiều câu ngắn gần gũi với đối thoại, giới thiệu khái quát về nhà cách mạng thật giản dị bằng cảm hứng tôn vinh một con người đã khuất: “Anh Ba ơi!/ Tròn tuổi tám mươi/ Anh vẫn sống/ Một cuộc đời/ Thanh cao/ Sôi động/ Như Trường Sơn/ Mãi mãi tươi xanh/ Như Biển Đông/ Ào ào dậy sóng”.

Nhà thơ Tố Hữu.

Tác giả lại đi vào những nét riêng trong tiểu sử của người con Quảng Trị, một nhân vật lịch sử hiện đại có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh đất nước: “Đồng bào đồng chí nhớ anh/ Người con của làng nghèo Chợ Sãi/ Xác xơ mấy túp lều tranh/ Nóng bỏng cát đồi Triệu Hải/ Bữa cháo bữa rau, đùm bọc nhau lá rách lá lành/ Lòng vẫn đậm/ Tình thương và lẽ phải”.

Trí tuệ sắc sảo, chí khí hiên ngang, phong cách quyết đoán, lối sống tình cảm của đồng chí Lê Duẩn đã được Tố Hữu ghi nhận bằng thơ, đặc biệt là bản lĩnh của một nguyên thủ vào những thời điểm sau khi nước nhà thống nhất lại vẫn gặp chiến tranh xâm lược ở hai đầu đất nước: “Và chiến tranh. Lần nữa chiến tranh!/ Biên giới, hai đầu, lửa cháy./ Nhân tình biết mấy đảo điên!/ Anh lên cùng chiến sĩ đường biên/ Phải chiến đấu, dẫu lòng Anh đau từng giọt máu”.

Những phẩm giá cao đẹp của một nhà cách mạng kiệt xuất, của một người cộng sản đích thực đã khiến cho "Anh Ba" Lê Duẩn sống dài lâu trong ký ức đồng bào. Bởi Anh Ba là con đẻ của nhân dân: “Tâm hồn Anh/ Vừa long lanh cuộc sống/ Vừa bay bổng mơ ước/ Cần áo cơm và cần nhạc, cần thơ/ Tương lai nảy mầm non từ hiện tại./ Trí tuệ nâng Anh ngang tầm thời đại/ Qua giông tố/ Vững tay chèo lái./ Trắng đen, phải trái/ Dạ thẳng ngay, không nay bán mai cầm./ Một đời Anh/ Thanh thản lương tâm/ Cho đến đêm hè nay/ Hồ Tây, thơm ngát sen đầm/ Anh nhắm mắt/ Mà như vẫn trầm ngâm, suy tưởng...”.

Sau cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, dân ta ai nấy hoan hỉ. Nhưng với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đồng chí Lê Duẩn biết dân tộc mình sẽ còn phải trải qua rất nhiều chông gai mới đi đến thắng lợi cuối cùng. Và Tố Hữu cũng đã tái hiện điều này trong thơ: “Điện Biên Phủ/ Lẫy lừng bốn biển/ Đất nước toả hào quang/ Lịch sử sang trang/ Đồng bào reo.../ Mà lòng anh ngổn ngang, ruột thắt/ Như chính Anh, nửa mình chia cắt./ Trắng bọt những con tàu/ Tiễn đưa nhau/ Hai ngón tay/ Nón vẫy hẹn ngày/ Mà mắt Anh cay xót/ Anh phải ở lại đây/ Với miền Nam/ Đương đầu giặc Mỹ!/ Không thể đợi/ Lẽ nào xin công lý?/ Phải ra tay./ Vũ khí thánh thần/ Chính là ta/ Thế trận nhân dân”.

Chính vào những thời kỳ cam go sau năm 1975 lại khẳng định vai trò của một nhà lãnh đạo kiên định và xuất sắc, đúng như nhà thơ miêu tả và khẳng định: “Qua giông tố/ Vững tay chèo lái/ Trắng đen, phải trái/ Dạ thẳng ngay/ không nay bán mai cầm”.

Và lời nhà cách mạng vẫn luôn được nhắc nhở để mọi người cùng nhau tự răn mình để sống xứng đáng với lý tưởng cao đẹp, xứng đáng với nhân dân và Tổ quốc: “Bàng hoàng, tôi vuốt tay Anh/ Cái bàn tay/ Ôi, làm sao quên được?/ Cái bàn tay năm mươi năm trước/ Dắt dìu tôi, ấm áp những ngày/ Từ trang sách Hàng Bè/ Đến trường đời cách mạng.../ Mỗi bước đường đi, tôi vẫn lắng nghe/ Lời Anh dặn:/ Đồng chí chúng ta/ Mỗi ngày nên một lần vào Đảng!”.

Bài thơ kết thúc bằng kỷ niệm sâu sắc khi tác giả được gần gũi bên "Anh Ba" Lê Duẩn vào những giây phút cuối, những giây phút thật sự ấn tượng khi phải giã biệt một con người đã tận hiến đời mình cho dân, cho nước: “Ai biết đêm nay/ Anh đã đi rồi.../ Anh Ba ơi!/ Chút nữa thôi/ Trời sáng!/ Lần cuối cùng/ Xin hôn cánh tay Anh/ Cánh tay của người Anh/ Cánh đại bàng Việt Nam/ Của ngày mai Cộng sản!”.

Bài thơ đã phác thảo khá thành công chân dung một con người ưu tú của quê hương đất nước, đã điểm lại những nét chính yếu trong cuộc đời hoạt động cách mạng và phong cách của một lãnh tụ đã cống hiến lớn lao cho sự nghiệp thống nhất đất nước; một con người can trường bảo vệ độc lập, tự do Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào và cho dù kẻ xâm lược là ai, cũng như luôn đề cao ý thức tự cường, khẳng định mạnh mẽ giá trị Việt Nam. Nhiều phẩm giá quan trọng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cần được nêu gương và học hỏi, vẫn mang ý nghĩa thời sự hệ trọng trong bối cảnh hiện nay.

     Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc