Multimedia Đọc Báo in

Vai trò của báo chí trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

09:25, 14/04/2024

Cách đây 70 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, anh dũng của dân tộc ta.

Góp công trong “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn!” (Tố Hữu) có vai trò của “binh chủng” báo chí - vũ khí cách mạng vô cùng sắc bén.

Chưa có chiến dịch nào trong kháng chiến chống Pháp lại thu hút lực lượng những người làm báo đông đảo đến vậy.

Chỉ riêng Báo Quân đội nhân dân đã có tới 5 phóng viên dạn dày kinh nghiệm tham gia là Hoàng Xuân Tùy, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và hoạ sĩ Nguyễn Bích; Thông tấn xã Việt Nam có Hoàng Tuấn - một “chuyên gia về tổng hợp tin và thông báo chiến sự”; Đài Tiếng nói Việt Nam có Nguyễn Nhất; Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh; Báo Cứu Quốc có Thái Duy và Chính Yên…

Một trang báo Quân đội nhân dân được xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ngoài ra một số văn nghệ sĩ cũng tích cực tham gia viết báo như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần; họa sĩ Mai Văn Hiến; các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác; các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông; nhà quay phim Tiến Lợi… Bên cạnh đó còn có đông đảo “nhà báo nghiệp dư” là những cán bộ tuyên huấn, cán bộ chính trị, các cây bút nòng cốt của các tờ tin như Lập Công của Đại đoàn 308, Tiên Phong của Đại đoàn 312, Quyết Thắng của Đại đoàn 316…

Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, ta đã tổ chức được tòa soạn báo ở ngay mặt trận - đó là tòa soạn Báo Quân đội nhân dân và ban biên tập các tờ tin đại đoàn, trung đoàn. “Đại bản doanh” của cơ quan báo chí và nhà in thời kỳ đầu đặt ở Thẩm Púa, về sau di chuyển vào Mường Phăng, gần với cơ quan của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Báo in xong trao ngay cho đội phát hành chờ sẵn để chuyển tới các chiến hào hoặc chạy đuổi theo các đơn vị đang hành quân. Ở mặt trận Điện Biên Phủ, bộ ba tòa soạn báo - nhà in - đội phát hành hiệp đồng tác chiến rất nhịp nhàng, kịp thời đưa những ấn phẩm báo chí đến tận tay động viên các lực lượng tham gia chiến dịch.

Làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, mỗi phóng viên phải phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo, ban ngày lặn lội đến các trận địa, sâu sát cơ sở để lắng nghe, ghi lại những câu chuyện chân thực, tối đến tranh thủ viết dưới ánh đèn dầu.

Lúc đó máy ảnh hiếm, không có điều kiện chụp và in ảnh nên các bài báo viết và sắp chữ xong, phóng viên lại vẽ cả tranh minh họa.

Nhịp độ cuộc chiến đấu ngày một tăng, các tờ báo còn huy động bài vở của cộng tác viên, từ tướng lĩnh đến chiến sĩ.

Cùng với những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, báo đã chuyển tải “nóng hổi” các tin tức thời sự, gương chiến đấu dũng cảm, phản ánh kinh nghiệm đào hầm hào, công sự, tổ chức hậu cần, làm giá đỗ, tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính, giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, tiến độ thu hẹp vòng vây quân thù, triệt đường tiếp tế và tiếp viện của địch, cùng thơ ca, hò vè, bài chấn chỉnh, phê bình một số biểu hiện chưa tích cực, tranh biếm họa, thơ đả kích địch…

Với tiêu chí “cung cấp những gì thiết thực nhất cho những người lính đang đi vào nơi sinh tử cần”, báo chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, dân công, góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch.

Bộ đội đọc báo tại mặt trận. Ảnh tư liệu

Cùng với báo chí cả nước, báo chí tại mặt trận Điện Biên Phủ đã đóng vai trò nòng cốt, hình thành nên một “binh chủng đặc biệt”, làm tròn chức năng “tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể”.

Báo chí không những có tác dụng cổ vũ, tuyên truyền bộ đội trên khắp chiến trường, mà còn có sức động viên rất lớn đối với hậu phương, đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, góp phần vào chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Đồng thời, mặt trận cũng thực sự là một trường học lớn cho những người làm báo được tôi luyện về ý chí, nâng cao nghiệp vụ, trình độ tổ chức, từ đó hình thành nên phong cách làm báo chiến trường vô cùng độc đáo. Một điều thú vị nữa là, những chiến sĩ Điện Biên như Chính Hữu, Hữu Mai, Hồ Phương, Dũng Hà… sau ngày chiến thắng đã về Hà Nội công tác tại các cơ quan văn hóa, văn học nơi “phố nhà binh” Lý Nam Đế, tham gia sáng lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trở thành những cây bút tiêu biểu của văn học viết về người lính và chiến tranh cách mạng - một mảng đề tài đồ sộ và sáng đẹp nhất của văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.