Multimedia Đọc Báo in

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã

08:10, 14/03/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính, cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”. Thực tế cho thấy, để “mọi công việc đều xong xuôi” thì vai trò của đội ngũ cán bộ cấp xã nói chung, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã rất quan trọng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã là người thay mặt Đảng, Nhà nước trực tiếp lãnh đạo, quản lý xã hội đến tận người dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; trực tiếp tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở, bảo đảm an sinh của người dân và sự phát triển của cộng đồng; trực tiếp nắm và chỉ đạo thực hiện các vấn đề trọng yếu, các khâu trung tâm của hệ thống chính trị ở cơ sở; vừa là người khởi xướng chủ trương, vừa là người chủ trì, điều khiển và chịu trách nhiệm đến cùng các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Bởi vậy, hệ thống chính trị cơ sở có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không, có đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của dân hay không, có được dân tin yêu, kính trọng và bảo vệ hay không trước hết tùy thuộc vào vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã.

Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải tuân theo đạo đức công dân và nêu cao trách nhiệm của một người công dân, phải thực hiện đạo đức của người cán bộ, “phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”, bởi “không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; phải: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”…

Lãnh đạo xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) thăm mô hình trồng sầu riêng của người dân trên địa bàn. Ảnh: Vạn Tiếp

Bên cạnh đó, phải nâng cao ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân vì Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng là của dân, do dân và vì dân. Người luôn yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào dân, liên hệ chặt chẽ với dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của dân, “là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải có tinh thần trách nhiệm trước công việc, “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải có trí tuệ, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi với dân, trọng dụng hiền tài; phải vừa có đức, vừa có tài; phải nêu gương đi trước, thậm chí có thể phải hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Phải nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, đặc biệt là trách nhiệm với dân, với nước. Luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Phải thống nhất giữa nói và làm, tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở, trong phong cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải chống bệnh hẹp hòi, bởi nếu cán bộ mắc bệnh hẹp hòi sẽ từ đó mà đẻ ra nhiều thứ bệnh khác, nguy hại đến lợi ích của Đảng, của dân.

Trong những năm qua, trước những yêu cầu của thực tiễn, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định liên quan tới công tác cán bộ. Đồng thời với việc tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, lựa chọn và bố trí cán bộ chủ chốt các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

Do đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã nói riêng đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, trước hết phải bố trí cán bộ theo vị trí, đúng năng lực, đúng chuyên môn để từ đó phát huy hiệu quả, để đánh giá, quy hoạch, đào tạo, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi tổ chức những cán bộ suy thoái, biến chất, những cán bộ nói mà không làm, những người năng lực yếu không thể đảm đương nhiệm vụ.

Tăng cường luân chuyển cán bộ, không chỉ để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, mà đó còn là giải pháp để khắc phục tình trạng phe nhóm, cục bộ trong lãnh đạo, quản lý, chữa căn bệnh “hẹp hòi”, bệnh “địa phương cục bộ” trong công tác cán bộ. Tạo cho cán bộ luôn có môi trường thuận lợi để phấn đấu, trưởng thành.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.