Multimedia Đọc Báo in

Trí tuệ nhân tạo không thay thế được tính trung thực!

08:14, 08/10/2023

Một chuyên gia công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) mới đây đã chia sẻ, dù AI có phát triển đến mức nào cũng không thể thay thế được tính trung thực ở bản thể con người. Công nghệ số và thông minh chỉ có thể giải quyết bài toán nhanh hơn, hiệu quả hơn và giản tiện hơn mà thôi.

Những trao đổi trên vừa được cộng đồng mạng đặt ra, xung quanh các sự việc cô giáo bạo hành học sinh mua quà trung thu sai ý, hoa hậu đối đáp sai dữ liệu… Có người cho rằng, nếu những sự việc trên được lồng ghép trí tuệ nhân tạo vào, những phần lỗi sẽ có thể không xảy ra. Không phải ai cũng đủ thông tin và thông minh để chắt lọc đúng dữ kiện và có hành động khôn ngoan trong mọi lúc nên ứng dụng công nghệ thông minh sẽ giúp ngăn ngừa được nhiều sự cố.

Chuyên gia công nghệ cho rằng, lập luận trên, xét về lý thuyết là chính xác, và sự thật, trí tuệ nhân tạo, về cơ bản đã được tạo ra nhằm mục đích này. Ứng dụng công nghệ số hóa, giải pháp chọn lọc dữ liệu trong kho số liệu khổng lồ lưu trữ hay những ứng dụng trí tuệ nhân tạo thông minh rõ ràng giúp xử lý nhanh gọn hàng tỷ bài toán thông tin được lặp đi lặp lại trong hành xử giao tiếp hằng ngày ở con người. Các phần mềm AI, bởi thế sẽ giúp rút gọn và chính xác hóa, cụ thể hóa hàng triệu hành vi, giải đáp tức thời mà con người cần đưa ra trong một ngữ cảnh cụ thể nào đó. Đơn giản như để hành văn bố cục một tờ đơn thư, AI sẽ có thể giúp con người xử lý nhanh một tình huống nào đó trong muôn vàn cách trả lời khác nhau, để đưa ra một chọn lựa thông minh nhất và sớm nhất. Khi các phần mềm AI được hoàn thiện hơn, rõ ràng kho dữ liệu lựa chọn sẽ đầy giải pháp hơn, và không có gì lạ khi chỉ với một phần nghìn giây, một ứng dụng AI đã tìm ra mấy chục giải pháp hoàn hảo trong khi một người bình thường chỉ có thể đưa ra vài cách thức.

Đây là lý do để đến hôm nay, nhiều người choáng ngợp trước tốc độ hoàn thiện và phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Trong nhiều lĩnh vực, hoạt động giao tiếp, thông tin, xử lý tình huống, đặc biệt là truy vấn, phát hiện các sai sót, AI mỗi lúc một tỏ ra ưu việt hơn. Trong kho số ứng dụng công nghệ hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm hàng trăm phần mềm AI thông minh nhạy bén và linh hoạt như vậy, giúp giải quyết các công việc và trường hợp xử lý nhanh gọn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia công nghệ cho rằng, sẽ không có gì thay thế được con người về tính trung thực. Đây chính là mấu chốt quan trọng để trong mọi tình huống xảy ra, hành vi quyết định của con người vẫn là quan trọng nhất. Trí tuệ nhân tạo thực chất chỉ là kết quả tổng số các phép tính toán, thủ thuật dữ liệu mà con người số hóa tạo nên, và nếu trí tuệ đó được đặt trên nền một hệ thống dữ liệu không chính xác, kể cả ngụy tạo, sai lầm, thì kết quả trả lời chắc chắn sẽ là sai lầm. Nếu chỉ căn cứ vào những kết quả đó, nguy cơ sẽ rất lớn.

Đây là nguyên nhân để trong nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số, và cả ở khía cạnh phim ảnh truyền thông, giới chuyên môn luôn lên tiếng cảnh tỉnh về khả năng “số hóa thông minh hơn” và dữ liệu số sẽ đánh lừa nhận thức của con người, đưa ra những kết quả sai trái. Nếu nhìn trí tuệ nhân tạo ở góc cạnh này, có thể nhận ra những mối nguy hiểm sẽ to lớn đến thế nào.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Internet

Quay lại câu chuyện cô giáo bạo hành học sinh, và thầy hiệu trưởng lên tiếng bảo vệ cô giáo bằng cách hăm dọa kỷ luật học sinh nào đã phát tán video ghi lại hình ảnh bạo hành đó, cộng đồng xã hội đã lên tiếng đả kích và nói rõ đó là bao biện. Hành động trung thực của học sinh có đoạn video cần được tuyên dương, vì đó là biểu hiện của sự trung thực và quả cảm.

Nhưng, nếu cùng hành vi đó, được chiếu xét bằng AI, được đặt trên nền những dữ liệu an ninh mạng, ngăn cấm hình ảnh bạo hành, và nếu người ta tạo nên được những hệ dữ liệu sai trái, lấy số lượng che khuất thông tin đúng, thì rõ ràng, kết quả AI đưa ra cũng sẽ không bảo vệ học sinh phát tán video. Trong việc này, AI không thể có tiêu chí đạo đức, không có khả năng cảm xúc để cảm nhận được đúng sai từ hành vi con người.

Cho nên, nếu con người nhìn nhận thực tế, theo sự việc để đưa ra hành động, rõ ràng cô giáo và thầy hiệu trưởng sẽ bị đạo đức xã hội lên án, và nguyên tắc giáo dục con người không chấp nhận những bao biện thỏa hiệp với cái sai đó. Còn nếu chỉ dựa vào trí tuệ nhân tạo, có khả năng khi người khác đủ dữ liệu để biến cải vấn đề, cung cấp dữ liệu số có mục đích che chắn, sai lệch, kết quả thu nhận sẽ hoàn toàn khác hẳn.

Chuyên gia công nghệ nhìn nhận, với một bối cảnh cụ thể như vậy, có thể hiểu tại sao AI không ngừng được mở rộng phạm vi ứng dụng và phục vụ đời sống xã hội hôm nay, có thành tích phát triển khủng khiếp, song vẫn phải luôn nằm trong giới hạn kiểm soát và ngăn ngừa của con người. Câu hỏi liệu có một ngày AI sẽ đe dọa công việc, thu nhập của hàng triệu con người cụ thể hay không, cần được chiếu xét từ góc độ mỗi con người chúng ta hôm nay có hành động tuân thủ, nắm giữ đạo đức xã hội, đạo đức truyền thống hay không. Xã hội còn có đạo đức thì AI luôn là công cụ cần thiết giúp giải quyết các vấn đề nhanh, gọn, tiết kiệm hơn mà thôi!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc