Multimedia Đọc Báo in

Một lần “chạm” Angkor (Bài 4)

07:28, 07/04/2024

Bài 4: Màu xanh ở Angkor

Ngoài những kiến trúc kỳ vĩ, điều khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng là những rừng cây xanh mát ở quần thể di tích Angkor. Rừng cây và những hồ nước lớn nơi đây khiến không khí như dịu mát hẳn, dù Siem Reap đang ở thời điểm mùa khô, nhiệt độ thường xuyên trên 30 độ C!

Những cây cổ thụ ở đền Ta Prohm

Có thể nói, những thế kỷ bị quên lãng trong rừng già đã để lại cho khu vực quần thể di tích Angkor ngày nay một di sản quý giá: những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm! Những phế tích nằm rải rác giữa rừng, bao quanh các đền đài là những cây cổ thụ thân cao vút, gốc khổng lồ cả chục người ôm, rễ cây len lỏi xuyên qua những mảng tường rêu phong đã tạo nên sự kỳ bí, huyền hoặc vô cùng thu hút.

Bạn có thể cảm nhận rõ rệt điều này ở đền Ta Prohm – một trong những địa điểm nổi tiếng nhất và được du khách viếng thăm nhiều nhất ở quần thể di tích Angkor. Ngôi đền này nằm cách Angkor Wat 3 km về phía đông bắc, vốn là một quần thể tu viện Phật giáo cổ xưa được xây dựng vào năm 1186 dưới triều đại của vua Jayavarman VII. Người ta kể rằng, vua Jayavarman VII xây dựng ngôi đền này để thờ mẹ của mình (vì thế nên đền còn được gọi là “lăng mộ hoàng hậu”, ngoài tên “đền rừng”). Nhà vua đã tốn rất nhiều vàng, bạc và đá quý để xây dựng ngôi đền này, trong đó ngọn tháp cao nhất được nạm rất nhiều đá quý, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào thì đá quý chiếu sáng rực rỡ. Tất nhiên, trải qua thời gian, vàng bạc, đá quý đã bị gỡ đi gần hết, trên bức tường ngọn tháp ngày nay chỉ còn vô số những lỗ nhỏ trên tường mà người ta cho rằng đó chính là nơi nạm đá quý khi xưa…

Đền Ta Prohm có rất nhiều cây cổ thụ.

Bước vào ngôi đền, ngang qua những đường ngang dọc lắt léo như mê cung, bạn sẽ phải ồ lên sửng sốt và thích thú khi hiện lên trước mặt mình là một bức tường cây sừng sững, rễ cây trùm lên tường, có khi trùm lên mái khiến ta có cảm tưởng như cây mọc trên tường, trên mái hoặc là ngôi đền đội cây lên. Theo nghiên cứu gần đây, có hơn 150 loài cây trong quần thể ngôi đền, trong đó phổ biến nhất là cây xốp (hay còn được gọi là cây bông lụa - Tetrameles nudiflora). Những cây cổ thụ thân rất to, những dây rễ cũng khổng lồ không kém, đôi khi rễ cây hòa với màu tường khiến không thể phân biệt được đâu là rễ cây, đâu là tường. Tất cả đều nhuốm màu thời gian ngàn năm, tạo nên khung cảnh rất mê hoặc…

Trồng cây để bảo tồn kiến trúc

Công viên khảo cổ Angkor của Siem Reap là một khu vực rộng lớn có diện tích khoảng 400 km2, với hàng trăm ngôi đền, tượng đài và các công trình cổ kính khác được xây dựng dưới nhiều triều đại khác nhau của đế quốc Khmer, có niên đại từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15 cùng với các ngôi đền thời tiền Angkor. Ngoài những ngôi đền, công viên còn có các khu rừng, hồ nước, đê và kênh…. Tất cả tạo thành hệ thống hoàn chỉnh giúp du khách có thể hình dung phần nào về hình ảnh của khu vực từng là kinh đô của đế quốc Khmer xưa. Theo nhiều nghiên cứu khảo cổ thì nước và rừng là một trong những phương thức để các kiến trúc sư cổ đại dựa vào để thiết kế nên các đền thờ; nước, rừng và đền thờ đã trở thành một sự kết hợp trường tồn theo thời gian ở Siem Reap.

Cây xanh chính là một trong những yếu tố giúp bảo tồn các kiến trúc đền tháp ở Angkor.

Có thể thấy, những cánh rừng ở quần thể di tích Angkor đã được bảo vệ khá tốt dù hiện tại trong khu vực Công viên khảo cổ Angkor vẫn là nơi sinh sống của 140.000 người dân ở 113 ngôi làng. Công viên khảo cổ Angkor hiện do cơ quan quốc gia APSARA bảo vệ và quản lý. Không chỉ bảo tồn rừng cây cổ thụ, từ năm 2004 đến nay, cơ quan quốc gia APSARA đã trồng hàng triệu cây xanh trong công viên cũng như khơi thông các dòng kênh, bởi đây cũng chính là cách để bảo tồn quần thể các đền đài.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hang Peou, Tổng Giám đốc Cơ quan quốc gia Apsara từng lý giải: Đền chùa, nước và rừng là những yếu tố không thể tách rời của công tác bảo tồn. Ngoài chức năng che bóng, cây xanh còn có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc tạo độ ẩm. Nếu không có cây xanh, những viên đá trong ngôi đền sẽ phải chịu sự biến động mạnh về nhiệt độ khiến dễ hư hỏng. Độ ẩm từ rừng cây sẽ làm giảm nhiệt lượng trực tiếp từ mặt trời chiếu lên các viên đá; đồng thời tạo điều kiện cho rêu phát triển dọc theo bề mặt đá, những lớp rêu này hoạt động như một lớp bảo vệ khác tiếp tục giúp đá không bị ăn mòn. Bên cạnh đó, khu vực đền đài Angkor nằm giữa núi Kulen và sông Tonle Sap, nơi có tốc độ gió rất mạnh; trong khi đó, cấu trúc của các ngôi đền không được gia cố bằng bê tông, cốt thép, cũng chẳng có chất kết dính mà chỉ là những tảng đá sa thạch xếp chồng lên nhau, gió mạnh có thể xô đổ những cấu trúc này. Và rõ ràng, rừng cây chung quanh có tác dụng làm giảm tốc độ gió. Một điều rất quan trọng nữa là, qua nghiên cứu và khai quật, người ta phát hiện ra rằng những ngôi đền này đứng vững qua nghìn năm là nhờ nền móng bằng cát ướt có thể chịu áp lực rất lớn (đó là một trong những lý do tại sao nhiều ngôi đền ở Angkor có hào nước bao quanh). Và rừng cây không chỉ làm giảm bốc hơi nước mà còn có tác dụng giữ gìn độ ẩm bảo đảm cho lớp cát ướt dưới nền móng các ngôi đền.(**)

(Còn nữa)

Bài cuối: Chạy bộ ở Angkor

(**) Theo “Water, Forests and Temples: The Inseparable Elements of Siem Reap” trên Cambodianess

Hồng Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.