Multimedia Đọc Báo in

Vào mùa thu hái cà phê...

16:35, 26/12/2022

Cứ vào tháng 11, tháng 12 dương lịch hằng năm, mùa gió chướng bắt đầu là thời điểm Tây Nguyên bước vào vụ cà phê, nông dân lại tất bật từ sáng sớm đến tối mịt trên rẫy để thu hoạch. Đây cũng là lúc những lao động tự do tranh thủ đi làm công để có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc hái cà phê thuê.

1. Từ 5 giờ sáng, ba mẹ con chị H’Biết Tơr (buôn Tơ Lâng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) đã kéo bạt, rục rịch trong rẫy để bắt đầu công việc hái cà phê thuê của mình. Chị H’Biết cho hay, chị đã thức dậy từ lúc gà chưa gáy, nhóm lửa nấu cơm ăn sáng, đồng thời chuẩn bị luôn cho cả bữa trưa để tranh thủ thời gian hái được nhiều cà phê. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng sinh 7 người con, đất sản xuất chỉ có 5 sào nên các con của chị chỉ học chưa hết tiểu học đã phải nghỉ để ở nhà phụ bố mẹ làm việc.

Hai mẹ con H’Biết Tơr (buôn Tơ Lâng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) hái cà phê thuê.

Là người anh thứ ba trong nhà, Y Hưng Tơr (SN 2004) bỏ học từ năm lớp 5 để đi làm thuê phụ giúp mẹ. Mới chỉ 18 tuổi nhưng Y Hưng đã vất vả, lặn lội đi hái cà phê khắp các tỉnh Tây Nguyên. Hơn 5 năm nay, Y Hưng làm việc tại một công ty gỗ ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng cứ dịp đến mùa cà phê chín rộ là em lại về nhà hoặc đi các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng để hái thuê. Mỗi ngày, với sức khỏe của em có thể hái được 5 - 6 bao, thu nhập được khoảng 300 - 350 nghìn đồng. Còn những năm cà phê mất mùa, ít chủ rẫy tại địa phương thuê, em sẽ đi các tỉnh khác để hái khoán, cứ 1 ha nhận được 5 - 6 triệu đồng. Mặc dù hái cà phê thuê xa nhà có thêm được thu nhập cao, nhưng những lúc ốm đau, bệnh tật không có ai chăm sóc khiến em rất chạnh lòng. Không được mẹ lo cơm nước đầy đủ như ở nhà, không được quan tâm chu đáo, nhiều hôm bị cảm vẫn cố gắng dậy hái để hoàn thành đúng tiến độ theo thỏa thuận với chủ.

Cũng giống như anh trai mình, học hết lớp 4, em H’Nga Tơr (SN 2006) bỏ học ở nhà phụ mẹ làm thuê vì hoàn cảnh khó khăn. Năm 2019, hai anh chị đầu của em lần lượt đi lấy chồng. Để nuôi ba em còn lại ăn học, H’Nga phải xa quê vào làm công nhân may tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng lương ít ỏi tại thành phố xa lạ chỉ đủ sống qua ngày, không có để tích cóp nên cứ đến mùa thu hái cà phê, em lại gói gém đồ đạc lên đường về quê phụ mẹ đi khắp xã hái thuê. H’Nga bộc bạch, chấp nhận cảnh gia đình khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn nên em đành phải đi làm lao động chân tay. Giá như được học hành đến nơi đến chốn thì chắc cuộc sống của em đã đỡ vất vả hơn.

Những lao động tự do kiếm thêm thu nhập từ nghề hái cà phê thuê.

2. Đến hẹn lại lên, vào mùa cà phê chín, anh Y Dhông Byă (buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) lại cùng các thanh niên khác trong buôn khăn gói lên đường sang huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) hái cà phê khoán. Anh Dhông chia sẻ, công việc thường ngày của anh là đi làm công ở xưởng gỗ. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi anh lại mang khung cửi ra dệt vải theo đơn đặt hàng của người dân trong và ngoài buôn. Đến mùa thu hoạch cà phê, anh tạm gác khung cửi đi hái thuê theo kiểu làm công hoặc nhận khoán để kiếm thêm thu nhập. Thường thì anh nhận hái khoán với giá 1.500 đồng/kg cà phê tươi. Trung bình mỗi người có thể hái từ 3 - 4 tạ cà phê tươi, kiếm được từ 400 - 500 nghìn đồng nếu làm việc từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều.

3. Đang thoăn thoắt tuốt những quả cà phê chín đỏ, anh Y Vơ Lét Êban và chị H’Nguýt Niê (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) kể, anh chị lấy nhau đến nay đã được 20 năm cũng là ngần ấy thời gian anh chị làm nghề hái cà phê thuê. Vợ chồng anh Y Vơ Lét không có đất sản xuất và việc làm ổn định nên để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, nuôi hai đứa con ăn học thì ai thuê gì làm nấy, anh chị phải làm từ nhổ cỏ, tưới nước cho đến bón phân… Vào mùa thu hái cà phê, cứ độ tháng 11 hằng năm, vợ chồng anh lại cùng những người dân trong xã tỏa khắp nơi để đi hái cà phê thuê. Công việc thường bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng nên tầm 5 giờ anh chị đã phải dậy lo nấu cơm nước cho con cái và mang theo để ăn trưa, nghỉ ngơi luôn tại vườn. Công hái cà phê dao động từ 220 - 250 nghìn đồng/ngày, nhưng mùa thu hoạch cũng chỉ kéo dài tầm 1,5 - 2 tháng nên vợ chồng anh phải làm hết khả năng để hái thật nhiều. Anh Y Vơ Lét bày tỏ, những ngày nắng ráo không sao nhưng gặp trời mưa thì cực lắm, gió thổi lạnh, vừa mặc áo mưa, vừa hái rất bất tiện, chưa kể bùn đất lấm lem. Người đi hái công không chỉ tuốt quả mà còn phải kéo bạt, tuồn cà phê vào bao rồi phụ chủ vườn vác ra xe chở về nhà nên đòi hỏi phải có sức khỏe mới làm được. Ngoài ra, lúc hái phải cẩn thận, tránh làm rơi vãi quả ra khỏi bạt, hạn chế tuốt trúng lá xanh hoặc làm gãy cành để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Anh Y Vơ Lét Êban (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) phụ chủ rẫy vác cà phê ra xe.

Kết thúc mùa thu hoạch cà phê, vợ chồng anh kiếm được từ 20 - 30 triệu đồng để trang trải cuộc sống hằng ngày và mua sắm Tết. Ăn Tết cùng gia đình xong, anh Y Vơ Lét lại lên đường sang tỉnh Đắk Nông để hái tiêu thuê kiếm tiền lo cho gia đình, con cái. Nhờ số tiền tích cóp được từ công việc đi làm thuê cùng với khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà đầu năm 2022 gia đình anh chị đã xây dựng được căn nhà cấp bốn vững chãi để che mưa che nắng thay cho túp lều gỗ tạm bợ trước đây.

Ai cũng muốn tìm cho mình một công việc nhẹ nhàng, nhưng những phận đời lao động tự do như những người hái cà phê thuê, họ không thể có sự lựa chọn khác đành đánh đổi công sức, mồ hôi, sự vất vả để kiếm được số tiền trang trải cuộc sống.

Tuyết Mai - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.