Multimedia Đọc Báo in

Cha mẹ - con nuôi: Mối quan hệ xã hội đặc biệt

08:47, 21/08/2023

Hiện tượng nuôi con nuôi có lẽ ở xã hội nào cũng có. Có rất nhiều minh chứng được công bố trên truyền thông cho chúng ta thấy những mối quan hệ cực kỳ gần gũi giữa cha mẹ và con nuôi khi mà cha mẹ dành rất nhiều thời gian và tình cảm cho người con nuôi của mình.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao giữa cha mẹ nuôi và con nuôi không có sự liên hệ về mặt huyết thống nhưng lại có sự gần gũi thân thiết về cá nhân như vậy? Rõ ràng, yếu tố sinh học, huyết thống không có ý nghĩa trong quan hệ giữa cha nuôi và con nuôi.

Thực sự, mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con mình là mối quan hệ huyết thống, nhưng nếu sau một thời gian dài không sống cùng nhau thì sợi dây huyết thống đó về mặt xã hội chắc chắn sẽ bị phai nhạt, thậm chí mất hẳn.

Đồng chí Đào Thị Thanh An, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk thăm, tặng sách vở, đồ dùng học tập chuẩn bị năm học mới cho con gái nuôi HNhịp. Ảnh minh họa: Thanh Huyền
"Mẹ đỡ đầu" Đào Thị Thanh An, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk thăm, tặng sách vở, đồ dùng học tập chuẩn bị năm học mới cho con gái nuôi H'Nhịp Ê Ung (buôn Ya Tu, xã  Buôn Triết). Ảnh minh họa: Thanh Huyền

Còn khi người con nuôi sống cùng với cha mẹ nuôi, thông qua quá trình xã hội hóa cá nhân trong môi trường gia đình, rõ ràng đứa trẻ sẽ có tình cảm với những người trong gia đình mới mà hằng ngày nó được tiếp xúc, học hỏi. Trong quá trình sống cùng cha mẹ nuôi, đứa trẻ sẽ thường xuyên tương tác với cha nuôi. Những tương tác thường xuyên, ổn định tạo nên mối quan hệ xã hội. Sự gần gũi, thân thiết trong mối quan hệ đó được dựa trên cơ sở, mối liên hệ xã hội chứ không phải dựa trên cơ sở sinh học.

Sự kiện “Ngày hội vun đắp giá trị gia đình và biểu dương Mẹ đỡ đầu tiêu biểu năm 2023” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây khiến chúng tôi nhớ tới câu chuyện về người phụ nữ trẻ ở Tahiti (hòn đảo lớn nhất ở Polynésie của Pháp, nằm ở phía Nam Thái Bình Dương) khi sinh con xong không nhất thiết phải nuôi con mà được chọn thời điểm để làm mẹ. Ở Tahiti, sau khi sinh con, “người ta hoàn toàn chấp nhận việc những đứa trẻ của người phụ nữ trẻ đó được gửi cho cha mẹ cô ta hoặc những người bà con gần nuôi ” và “... cô gái đó có thể quyết định khi nào có mối quan hệ giữa mình với lũ trẻ, không hề có cảm giác trong đó cô ta bị ép phải trở thành bà mẹ bởi vì đã có con”.

Khi một ai đó trở thành “cha mẹ nuôi” của một đứa trẻ tức là họ sẵn lòng về mặt tâm lý và xã hội. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con nuôi vì vậy mặc dù không phải là mối quan hệ huyết thống nhưng là mối quan hệ xã hội đặc biệt. Trên thực tế, việc nuôi con nuôi “vất vả” hơn nhiều so với việc nuôi con mình đẻ ra. Điều đó cũng thường khiến cho người con nuôi ghi nhớ công ơn của cha mẹ nuôi. Và xã hội cũng biết ơn vì “sự vất vả” của họ đã giúp cho những đứa trẻ có những điều kiện tâm lý – xã hội bình thường để được lớn lên một cách bình thường.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc