Multimedia Đọc Báo in

Những lối đi sáng tạo

11:15, 17/03/2024

Qua đôi bàn tay khéo léo, ý tưởng sáng tạo của người phụ nữ, các sản phẩm thủ công (handmade) đã được nâng lên thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa.

Tạo dựng thương hiệu cá nhân

Tìm một lối đi mới với nghệ thuật thắt dây macrame là điều mà chị Đinh Quý Lâm Phương (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đã theo đuổi nhiều năm qua. Nhờ có kinh nghiệm kinh doanh đồ nội thất cùng với niềm đam mê của bản thân, chị đã tạo ra những sản phẩm macrame như: mành treo tường, rèm cửa, xích đu, võng… đẹp, lạ phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa của các nông trại, quán cà phê, khu du lịch, homestay trong và ngoài tỉnh.

Chị Khuyên say sưa tạo hình thú bông từ len.

Chị Phương cho hay, là những sản phẩm làm từ các loại dây, macrame không những được trang trí trong không gian sống mà còn rất thích hợp để tặng người thân, bạn bè. Ngoài ra, đây là nguồn cảm hứng và ý tưởng vô tận giúp đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người có đam mê kinh doanh.

Năm 2018, chị Phương xuống TP. Hồ Chí Minh học cách làm macrame rồi về mở cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm macrame với tên gọi Lâm Phương Handmade. Trung bình mỗi tháng chị đưa ra thị trường từ 10 - 20 sản phẩm các loại, với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy theo loại, kích cỡ.

Không dừng lại ở việc tạo những sản phẩm macrame thông thường, chị Phương đã kết hợp thổ cẩm của người Êđê và nút thắt macrame tạo ra những chiếc khăn trải bàn lạ mắt được nhiều người yêu thích.

Đang làm việc tại Ban quản lý các khu công nghiệp (TP. Buôn Ma Thuột), chị Hà Thị Hồng Khuyên lại tạo thương hiệu từ nghề tay trái là đan len sợi. Chị mày mò tìm hiểu, tự đan nhiều sản phẩm thủ công bằng len sợi như: móc khóa, thú nhồi bông, túi xách...

Chị Khuyên cho hay: “Tùy theo kiểu dáng, sản phẩm khách muốn làm mà thời gian hoàn thành sản phẩm có thể trong vài giờ hoặc phải mất cả tuần lễ”.

Sự nỗ lực của chị đã được đền đáp khi các sản phẩm làm ra được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, chị còn lập nhóm gia công nhận móc các sản phẩm thú bông cho xưởng sản xuất thú bông handmade ở TP. Hồ Chí Minh, tạo thêm thu nhập cho lao động là phụ nữ tại địa phương.

Đan len với chị Khuyên là một thú vui, được thỏa sức sáng tạo đồng thời cũng có thêm một nguồn thu nhập, giúp nâng cao giá trị cuộc sống.

Các em học sinh Trường THCS Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) được chị Phương hướng dẫn tạo vòng cổ cho thú cưng bằng các nút thắt macrame. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bảo vệ môi trường từ... vải vụn

Từ những mẩu vải vụn, chị Đỗ My (thị xã Buôn Hồ) đã tạo nên những  tác phẩm thủ công độc đáo. Chị My kể rằng, ngay từ nhỏ chị đã có đam mê với những sản phẩm thủ công. Sau này có điều kiện tiếp xúc với môi trường nghệ thuật chị lại càng yêu thích và tạo ra nhiều sản phẩm handmade hơn.

Khi chứng kiến nhiều mảnh vải vụn đẹp bị thải ra môi trường, chị đã nảy ý tưởng sáng tạo ra những bức tranh nghệ thuật và những sản phẩm tiêu dùng, đồ lưu niệm từ nguyên liệu này. Chị hy vọng, đây là một trong những hành động góp phần giảm sự ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng mang đến cho mọi người những sản phẩm đẹp, cá tính.

Đối với tranh từ vải vụn, chị bắt đầu với khâu chọn ý tưởng, chọn vải, cắt vải, tạo thành tác phẩm; trong đó, khó nhất là kiếm những miếng vải có màu sắc tương đồng như cảnh vật định thể hiện.

Đơn cử như hình của lá, cỏ, cây phải khớp về màu sắc, nhịp điệu; có những tác phẩm gần hoàn thành vẫn bị tháo ra để tìm những mảnh vải phù hợp hơn.

Chị My tâm sự: “Có những bức tranh từ vải vụn mất đến cả tháng để hoàn thành”. Chỉ sau hơn một năm theo đuổi hội họa từ vải vụn tái chế, các tác phẩm của chị đã được nhiều người biết đến, yêu thích và sưu tầm.

Chị My (bìa trái) hướng dẫn khách hàng làm kẹp tóc từ vải vụn.

Ngoài sáng tạo tranh, để truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường, chị My thường xuyên thực hiện các buổi workshop với tên gọi “Nghệ thuật từ những mảnh vải vụn”. Tại đây, từ người lớn cho đến trẻ em được trải nghiệm tự tay làm những phụ kiện như kẹp tóc, bông tai từ vải vụn; qua đó có thể hình dung và ý thức được tầm ảnh hưởng của mình đến môi trường xung quanh.

Chị Trần Thị Nhẫn (TP. Buôn Ma Thuột), một trong những người trải nghiệm làm kẹp tóc từ vải vụn chia sẻ: “Tự mình làm ra một chiếc kẹp bằng vải vụn rất thú vị, nó đòi hỏi mình phải tỉ mỉ, kiên trì; đồng thời bản thân tôi cũng thấy rất ý nghĩa bởi qua đó thông điệp bảo vệ môi trường được lan tỏa nhiều hơn”.

Giang Nga


Ý kiến bạn đọc